6 lưu ý để thuê lập trình viên freelancer hiệu quả hơn
Giới thiệu
Với góc nhìn vừa là người đi thuê lập trình viên freelancer (khi làm công ty cũ) vừa là người làm freelancer xây dựng website, mobile cho khách. Mình nghĩ bài viết này sẽ hữu ích với những bạn muốn tìm freelancer để phát triển MVP hay sản phẩm cho mình.
Còn phần ưu và nhược điểm khi thuê hay làm freelancer mình sẽ viết thêm những post khác nhé
#1. Tìm lập trình viên freelancer ở đâu?
1.a Qua các platform kết nối người đăng việc và tìm việc.
Lúc này lại có 2 lựa chọn là nên tìm ở các platform quốc tế như Upwork, Toptal.com, Guru.com
Hay nền tảng của Việt Nam như Freelancerviet, Vlance
Theo mình đánh giá thì quy trình để apply làm freelancer của Total.com là khó nhất, vì tiêu chí của họ là tuyển top 3% và tập trung vào mảng tech.
Các trang còn lại kể cả nước ngoài hay VN thì quy trình apply để làm freelancer không có gì khó cả, cùng lắm là nhân viên của họ chỉ gọi để confirm một vài thông tin thôi.
Ví dụ như dự án đầu tiên mình làm bên Upwork lúc đó mình chỉ học năm 2 thôi, mình vẫn nhận được project bình thường.
Nếu bạn có nhiều ngân sách và giỏi tiếng Anh thì nên chọn Upwork hoặc Topal. Ngược lại nếu ngân sách còn eo hẹp và không tự tin vào tiếng Anh của mình thì nên chọn nền tảng của Việt Nam
1.b Qua các group trên mạng xã hội
Tìm freelancer trên mạng xã hội
Có rất nhiều group về lập trình trên Facebook, đủ các thể loại công nghệ, bạn có thể join vào và đăng tuyển freelancer nếu group đó cho phép. Mình hay đăng các task nhỏ trên group như thế này.
Ưu điểm là sẽ có rất nhiều người inbox, apply công việc với bạn, nhưng chất lượng thì đa dạng.
Nếu bạn tự tin vào khả năng chọn người phù hợp thì có thể tìm trên các group nhé.
1.c Qua giới thiệu
Có thể bạn quen một người nào đó cũng làm IT, họ lại giới thiệu bạn một người khác để làm ứng dụng. Cách này có độ tin tưởng cao nhất, vì bạn đã quen người giới thiệu rồi.
Tuy nhiên, bạn có đang giới hạn mình trong những mối quan hệ có sẵn, biết đâu ở ngoài kia còn nhiều người làm tốt hơn người được giới thiệu đó.
#2. Bạn mô tả dự án của mình như thế nào
Có nhiều người muốn tìm freelancer tử tế nhưng lại không ghi được các mô tả dự án tử tế. Nhìn những project dạng anh "Muốn làm ứng dụng mạng xã hội công ty như LinkedIn, Facebook, vv" rất chung chung.
Ví dụ trên Vlance
Mình hiểu là một số bạn sẽ muốn giấu bớt thông tin để tránh bị mất ý tưởng. Nhưng ý tưởng là thứ không có giá trị
Nếu bạn vẫn sợ mât ý tưởng, bạn nên chuẩn bị trước một đoạn mô tả chung chung nhất. Sau đó bạn lọc ra khoảng một vài freelancer để gửi cho họ một bản chi tiết hơn. Mô tả nên có mockup hoặc wireframe các flow chính.
Cuối cùng có thể hẹn gặp trực tiếp hoặc phỏng vấn qua Skype để trao đổi chi tiết dự án hơn
Ý tưởng chỉ có giá trị khi có người thực thi chúng, ngại gì mà không viết mô tả đàng hoàng để tìm được freelancer tốt
#3. Freelancer có thực sự quan tâm đến dự án của bạn?
Mình thường nhận nguyên dự án để làm nên mình hiểu được nếu khách hàng thành công với dự án đó thì họ sẽ sẵn sàng làm việc tiếp với mình hoặc giới thiệu mình với người khác.
Nhưng thực tế là không phải ai làm freelancer cũng có suy nghĩ đó. Nhiều freelancer chỉ với suy nghĩ là thợ code. Họ bất chấp để nhập được dự án chả quan tâm gì đến sự thành công của nó.
Nhưng để tránh được những freelancer như vậy rất dễ, ngay từ bước đầu tiên là họ đã gửi cho bạn một proposal theo template sẵn, cái mẫu mà họ gửi cho hàng trăm khách khác luôn ý.
Những biển hiện freelancer không thèm đọc mô tả công việc của bạn:
Proposal chỉ nói về bản thân của anh ta: 'Tui có 10 năm exp, đã từng làm công ty này, công nghệ abc, xyz tui đều biết, bla bla"
Proposal không có chi tiết nào liên quan đến project của bạn, chứng tỏ anh ta chỉ copy và paste
Anh ta không có câu hỏi gì cho bạn. Mình chưa từng thấy dự án nào hoàn hảo đến mức không cần phải hỏi lại. Hỏi lại bạn cũng là một cách thể hiện freelancer đã hiểu dự án của bạn tới đâu.
Anh ta gửi rất nhiều link demo cho bạn. Khả năng cao là anh ta cũng copy/paste để gửi hàng loạt. Nếu cần thiết gửi link demo, chỉ 2 cái là đủ để bạn đánh giá rồi. Anh ta còn không có thời gian lựa ra những link phù hợp nhất để gửi cho bạn.
Để chi tiết hơn, mình sẽ lấy 1 case mình đăng tuyển job làm Shopify website trên Upwork.
Job details
Vì mặc định Shopify không có tính năng hỗ trợ bên người bán (vendor) nên mình đã ghi rất cục thể trong Job details là phải làm phần đó. Mình nhận được 14 proposals, nhưng khoảng 10 cái gần như không thèm đọc những gì mình viết, chỉ copy/paste proposal để gửi.
Một mẫu proposal cho thấy ứng viên chỉ copy/paste
Như chị ở trên đây, chị rất giỏi, chị nói cả trang về bản thân. Nhưng cái mình đang cần làm làm tính năng vendor trên Shopify thì chị không đá động gì hết.
Còn đây là Cover letter của ứng viên mà mình chọn để interview. Upwork có tính năng đặt câu hỏi cho ứng viên, nên khi người đăng job nhận proposal từ ứng viên sẽ thấy phần câu hỏi này đầu tiên.
Cover letter của ứng viên
Trong cả 3 câu trả lời, anh này đều nói về cái tính năng vendor của mình. Ảnh cũng giải thích là Shopify không support database. Vì thế cần làm plugin, ảnh cũng từng làm một plugin tương tự và show link đến plugin đó là được rồi.
Bạn thấy đó, trong proposal cũng không cần đao to búa lớn, khoe bản thân làm gì. Là một freelancer, bạn cần cho người ta thấy được bạn đã hiểu project của khách như thế nào, có thể làm gì để mang lại giá trị cho họ.
#4. Cách mà freelancer báo giá + timeline cho bạn
Bạn phải hiểu là với một người freelancer, bạn có thể không phải là khách hàng duy nhất. Khi bạn yêu cầu báo giá + timeline nhưng freelancer chỉ đưa bạn một vài dòng chung chung thì khả năng cao sẽ bị trễ deadline do anh này sắp xếp thời gian chưa chuẩn.
Tương tự với phần timeline là báo giá, báo giá càng chi tiết đến từng tính năng càng tốt. Với tiêu chí làm MVP, bạn nhìn vào list tính năng có thể bỏ bớt nếu ngân sách không đủ.
Mẫu báo giá
Mình hay dùng mẫu báo giá trên khi làm việc với khách hàng, nếu dự án nào dài kéo dài nhiều tháng thì nên chia thành từng giai đoạn để dễ làm việc nhé.
Còn về phía bạn - người tìm freelancer, bạn đã chuẩn bị đủ design, requirement của dự án hết chưa. Đừng để khi đang làm mới vỡ ra là em ơi, em làm thêm cái này giúp anh nhé.
Freelancer rất không thích làm việc với những người như thế. Nếu bạn muốn thêm tính năng thì nhớ kèm câu là nếu tính năng phức tạp thì anh sẽ chi thêm tiền. Hãy tôn trọng chất xám của nhau.
#5. Thống nhất cách làm việc và báo cáo tiến độ
Một nỗi lo của người thuê lập trình freelancer là không biết họ làm tới đâu rồi. Một người làm freelancer tốt chủ động sẽ báo cáo tiến độ thường xuyên, không đợi nhắc.
Có nhiều cách để báo cáo công việc như qua các tool quản lý dự án như Trello, Kaban, vv Giao tiếp thì có thể qua Skype, Messenger, Email
Nhưng điều quan trọng là cả 2 bên phải có tiếng nói chung. Khi phát triển có thể gặp những vấn đề nảy sinh như khách đòi làm thêm tính năng. Dev thì bị bugs, trễ deadline.
Lúc này cả 2 bên cần ngồi lại thương lượng để giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất cho cả 2 bên. Mình từng gặp một anh nhận việc rồi nhưng lúc sau (khoảng 2 tuần), anh đó tính lại thấy không phù hợp với công sức bỏ ra nên báo là không làm nữa và trả lại tiền cọc.
Thực sự giao tiếp rất quan trọng, đừng làm việc kiểu im im khi có sự cố xảy ra thì mới đổ lỗi cho nhau. Dù bạn là freelancer hay người thuê freelancer thì cũng nên tôn trọng lẫn nhau để có kết cục tốt đẹp nhé.
#6 Bạn có thể làm gì khi có sự cố xảy ra?
Có nên cọc trước? Đặt cọc bao nhiêu là hợp lý. Dùng platform trung gian như Upwork nhưng freelancer rủ ra ngoài để giảm phí, có nên không? Có nên làm hợp đồng không? Cách bảo vệ sở hữu trí tuệ ra sao, freelancer có lấy design, source code của mình đem bán cho bên khác được không?
Mình cũng từng bị quỵt tiền dự án trên Upwork nên không thể nói là những nền tảng trung gian có thể giải quyết hết tất cả các case có thể xảy ra. Chưa kể chuyện này còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của 2 bên.
Mình chỉ có lời khuyên như sau để đảm bảo cho 2 bên. Sau khi bạn đã lọc các freelancer khác và đi đến quyết định thuê freelancer đó, hay cố gắn setup ít nhất là một buổi nói chuyện trực tiếp (qua Skype nếu khác múi giờ)
Bạn đã/đang có ý định khỏi nghiệp nên mới thuê freelancer đúng không? Vậy thì một trong những kỹ năng phải luyện đó là kỹ năng chọn người, lựa mặt gửi vàng. Giấy tờ, hợp đồng cũng dùng khi project "bể dĩa" nhưng bạn đâu muốn thế đúng không nào?
Với những bạn mới lần đầu thuê freelancer, thì hãy xem đây là cơ hội để phát triển kỹ năng nhìn người của mình. Nếu dự án thất bại cũng là do bạn đã chọn người đó, đã cộng tác với người kia, trưởng thành là không đổ lỗi cho người khác. Vì thế hãy lựa chọn thông minh.
Bản thân mình cũng gặp vài khách hàng tào lao, hay freelancer không tốt. Nhưng đây đều là những trải nghiệp tốt để biết mình thích làm việc với người nào, kiểu làm việc nào sau này. Cũng như học được cách tránh gặp lại những người không thể làm việc chung trong tương lai.
Nên có những giấy tờ phòng sự cố xảy ra, nhưng cố gắng đừng dùng đến chúng.
Kết
Hy vọng với những lưu ý trên, bạn có thể tìm được lập trình viên freelancer phù hợp với dự án sắp tới của mình. Mình rất muốn lắng nghe thêm ý kiến của bạn, mọi ý kiến mọi người hãy để lại bình luận bên dưới nhé.