Có nên nghỉ việc để tham gia một startup?
Có nên nghỉ việc để tham gia một startup
Cả tháng nay mình lê mông đi phỏng vấn gần cả chục công ty ở vị trí Product Owner/Product Manager. Phỏng vấn đến hao gầy.
Mình phải ra The Coffee House để viết bài này đó các bạn, hiu hiu.
The Coffee House trở thanh nơi làm việc của mình- Hình mượn từ Internet
À, kể qua một xíu từ hồi khoảng đầu năm mình làm Product Manager tại Happy Trade, một startup về thực phẩm organic siêu sạch. Hãy mua thử một lần đi.
Được vài tháng mình nghỉ về làm kiểu part time. Chuyện làm việc ở Happy Trade có rất nhiều điều để nói, hay có dở có, chắc mình sẽ kể ở những post sau nha. Sau đó chuyển qua làm Product Associate tại Shopee VN. Môi trường ở đây khá tốt, không có gì phải chê. Hết thử việc mình cũng xin nghỉ. Ai hỏi mình lý do seo nghỉ mình đều nói giảm nói tránh, sợ nói trước bước không qua kiểu: em mắc làm luận văn, em tán chị cùng công ty không được thất tình nên nghỉ, môi trường không challenge lắm, bla bla. Thực ra nguyên nhân là mình quen một anh có cty kiểm toán, kế toán. Ảnh dự định làm phần mềm hoá đơn điện tử. Kỳ này luận văn mình cũng làm hoá đơn điện tử với blockchain. Mà năm 2020, tất cả các công ty phải bắt buộc dùng hoá đơn điện tử. Khá là tiềm năng nên khi ảnh rủ mình cũng muốn về làm. Thế là xin nghỉ ở Shopee.
Nhưng, đời không như mơ các bạn ạ. Về làm chung mới nhận thấy quan điểm quá khác nhau. Với mình một product để thành công cần rất nhiều chất xám, nhiều khâu từ nghiên cứu thị trường (market research), nghiên cứu đối thủ (competitor research), nghiên cứu user (user research), team dev, design, product phải giỏi thực sự. Còn anh đó tập trung vào việc vận hành hơn, kiểu chỉ cần thuê một team làm product rồi đem bán như outsource là được. Thế là được vài ngày mình cũng xin out. Ở đây mình cũng không nói ai đúng ai sai, nhưng theo mình quan điểm khác nhau như vậy thì làm khó làm chung được. Đương nhiên đã qua nhiều buổi nói chuyện chứ không phải đùng cái đòi out.
Nói trước bước không qua, nhưng không nói trước mà không chuẩn bị..... cũng chẳng qua đâu
Bài học rút ra là gì?
Nên có kế hoạch cho cuộc đời các bạn à, trước đây mình chỉ có plan 1 năm, 5 năm. Nên khi ra quyết định đều rất cảm tính và mang tính thời điểm. Lúc trước khi vào Shopee, mình thực sự muốn vào. Lúc làm thì muốn nghỉ để làm cho startup, lúc làm cho startup thì muốn nghỉ vì không hợp. Ủa là sao? Rốt cuộc mình muốn cái gì? Sao nóng vội vậy?
Khi có kế hoạch dài hạn cho cuộc đời, kế hoạch từ 20 năm trở lên, bạn sẽ cảm thấy kiên nhẫn hơn, ra quyết định cũng "ăn khớp" với mục tiêu long-term cả đời hơn.
Ví dụ hiện tại 22 tuổi: 3 năm đầu sau khi tốt nghiệp là đi làm kiến tiền, mối quan hệ. 2 năm sau đi du học để mở rộng tầm nhìn, 1 năm sau lấy vợ để an cư lập nghiệp, 3 năm tiếp khởi nghiệp, bla bla, ..... Khi đã có kế hoạch rồi, biết mình đang đứng ở đâu trong bản kế hoạch đó thì tâm sẽ bất biến giữa dòng đợi vạn biến. Chẳng hạn năm 23 tuổi, làm cty được 1 năm, mọi thứ đều tốt, bất ngờ thằng bạn rủ khởi nghiệp. Mình sẽ đối chiếu với bản kế hoạch đã vẽ từ trước mà so sánh: mình còn phải đi du học, cưới vợ để dành tiền nữa. Hiện tại chưa đủ tiền, kinh nghiệm. Lúc này chỉ cần nhẹ nhàng nói với bạn thôi mày làm đi, tao chưa sẵn sàng. Nhưng lỡ cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, lúc 24 tuổi gặp được người mình yêu mà muốn cưới liền thì sao, trong khi đó theo plan là 27 mới cưới mà? Trường hợp có thay đổi mà muốn 'phá kế hoạch' thì chắc phải lập bảng trade off matrix ra để đánh giá được mất, rồi điều chỉnh lại plan thôi. Sống phải có mục đích chứ Sao cũng được chỉ nên hát để tán gái thôi.
<iframe width="560" height="314" src="//www.youtube.com/embed/z35r-OeqLgQ" allowfullscreen="allowfullscreen" data-mce-fragment="1"></iframe>
Nên khởi nghiệp từ lĩnh vực mà bản thân am hiểu, tỷ lệ ra ngô ra khoai sẽ cao hơn. Lúc trước suy nghĩ của mình là nên tìm một người có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó để làm chung, họ sẽ lo phần operation, business, mình lo phần tech. Mình từng làm MVP cho Uber for home services, Uber for jobs. Có MVP được mấy chục ngàn download rồi sao nữa? Việc làm product mà bản thân không hiểu lĩnh vực đó, phải phụ thuộc vào người khác, khi họ out thì tèo luôn, rất khó triển khai. Ví dụ mình đã học online rất nhiều, có tạo và bán khoá học trên Udemy thì khi làm một product về online education sẽ có nhiều insight hơn, cũng không phụ thuộc vào người khác để vận hành.