Niềm tin
Nói trước bước không qua
Đây là câu nói phổ biến khi niềm tin của chúng ta đang lưng chừng giữa việc làm được và không làm được. Chúng ta sợ nói ra nếu không làm được thì dễ bị quê. Còn không nói thì có ai biết đâu mà sợ quê. Đây là niềm tin
Chứ giờ Việt Nam đá với Lào, dù bạn có nói cỡ nào thì phần trăm Việt Nam thắng cũng rất rất cao. Còn đây là thực lực.
Việc bạn làm được hay không là do thực lực của bạn. Nhưng cái giúp bạn bắt đầu hành động là niềm tin.
Niềm tin là thứ không thể lay chuyển
Mình biết đến chủ nghĩa Stoicism vài năm trước và mình tin vào những hệ thống triết học này.
Những câu như Carpe diem, memento mori, mình khá tâm đắc. Khi mình gặp khó khăn, thất bại gì mình cũng mở lại sách về chủ nghĩa khắc kỷ để đọc. Và mình cảm thấy phấn chấn hơn. Đây là niềm tin.
Mình cũng là người theo chủ nghĩa vô thần. Mình không tin vào tôn giáo, nhưng đương nhiên mình tôn trọng những người có tôn giáo.
Rất khó để bắt mình có thể theo một tôn giáo nào hoặc bắt một người có tôn giáo tin vào chủ nghĩa vô thần như mình.
Chuyện hợp tuổi
Mình cũng không tin vào chuyện hợp tuổi, các bà, các mẹ thì rất tin. Hợp tuổi là thứ gì đó khá không khoa học với mình. Tại sao cùng 1 giờ có 15000 trẻ em được sinh ra trên thế giới, trong đó tầm 210 là trẻ em Việt Nam.
Nếu tính đúng cả phút thì con số những người là có thể "hợp tuổi" cũng trùng rất nhiều, chẳng lẽ hợp tuổi hết. Rồi cứ lấy mấy đứa không hợp tuổi thì sẽ không có biến cố. Còn hợp tuổi thì thuận vợ thuận chồng, làm ăn sẽ đi lên sao?
Với mình khá khó hiểu, mỗi lần nói chuyện với mẹ hay chị về vấn đề hợp tuổi này mình để bác bỏ và đưa ra niềm tin với khoa học. Và mỗi lần như thế đều bị ăn chửi vì niềm tin của mẹ khác mình. Nên thôi.
Do đó mình chưa bao giờ đi coi bói tình duyên cả.
Những niềm tin đối lập nhau
Trên đây cũng chỉ là những ví dụ nhỏ thôi, còn rất nhiều niềm tin bị đối lập nhau khác:
Có nhiều người nghĩ rằng ăn chay tốt hơn ăn thịt và cũng có người nghĩ ngược lại.
Có người nghĩ Blockchain là công nghệ tương lai và ngược lại nhiều người cho rằng nó vớ vẫn.
Có người tin đọc sách không bổ bề ngang cũng tràn bề dọc, có người tin rằng học tập từ thật tế là đủ, không cần sách.
Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản
Và danh sách các niềm tin đối lập nhau như thế này còn rất nhiều. Mọi niềm tin đều quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cách chúng ta sống. Nhưng có một niềm tin còn quan trọng hơn đó là niềm tin về năng lực bản thân.
Niềm tin về năng lực bản thân
Khi chúng ta có niềm tin về thứ gì đó như: 1 dự án, 1 công việc mới, 1 kế hoạch mới cho cuộc đời. Ta tin thì ta mới làm.
Ngược lại, ta không tin thì không làm.
Mà đã không làm thì bạn chắc chắn sẽ biết là bạn sẽ không thất bại và .... dĩ nhiên cũng sẽ không thành công được.
Nhưng nếu, bạn tin vào bản thân thì có thể bạn thành công. Điều này quá tốt, nó giúp bạn thêm tự tin cũng như niềm tin về bản thân để làm những thứ sau này. Nhưng nếu lỡ nếu bạn thất bại thì sao?
Khi thất bại là lúc bạn tiếp tục thử thách niềm tin của mình một lần nữa. Bạn có tin là thất bại chỉ là trải nghiệm, là bài học để tiếp tục thì bạn làm lại lần nữa. Và quy trình lại cứ như vậy.
Chưa đủ niềm tin khiến ta nghi nghờ năng lực bản thân:
Có nên viết blog?
Có nên làm cái này cái kia?
Giờ có nên nghỉ việc?
Có nên mở công ty?
Có nên đầu tư cái này cái kìa?
Đó là lý do vì sao mình nói niềm tin về năng lực bản thân quan trọng nhất. Hơn cả những niềm tin khác vì nó quyết định đến tương lai của bạn nhiều nhất.
Rất nhiều người còn phân vân giữa các quyết định có thể giúp bản thân phát triển, âu cũng là do niềm tin chưa đủ.
Kết
Nói dông dài, kể chuyện này nọ nhưng bạn chỉ cần dặn lòng rằng niềm tin là thứ cực kỳ quan trọng. Bạn không tin thì sẽ không làm, mà <b>không làm thì sao có kết quả</b>, đúng không?
Nếu bạn còn không tin bản thân thì, còn ai cơ chứ?