Lại chuyện ý tưởng khởi nghiệp
Tìm người hợp tác làm app
Dăm bữa nửa tháng mình lại nhận được tin nhắn/email giống như vầy:
Khoảng 1 năm trước thì mình cũng rất hứng thú với những lời đề nghị này. Vì đây là cơ hội được nói chuyện làm quen, tạo mối quan hệ với những anh lớn tuổi hơn mình, có nhiều kinh nghiệm làm ăn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp từ những lĩnh vực khác: thiết kế có, nhà đất có, nhân sự, giáo dục cũng có.
Nói chung thì gặp nhau trao đổi ý tưởng, nói chuyện cũng tốt nhưng giờ đây mình thấy không còn hứng thú với những lời đề nghị như vậy. Tai sao ư?
Quá tự tin và lạc quan
Những người mình từng gặp đa số đều từ ngành khác và muốn khởi nghiệp về công nghệ. Họ thấy một vấn đề trong cuộc sống mà họ nghĩ là công nghệ có thế làm tốt. Hoặc cũng máu phong trào khởi nghiệp công nghệ, thời đại 4.0 gì đó. Nhưng theo mình thấy mục đích chính vẫn là giàu và tiền.
Cái này không có gì sai. Tiền ai cũng muốn. Mà khởi nghiệp công nghệ là cách có thể là nhanh và khả thi nhất. Những công ty lớn nhất đều liên quan đến công nghệ, còn những công ty có trị giá tầm 1-10 triệu $ về công nghệ cũng rất nhiều. Hay như bữa trước mình có giới thiệu trang Indiehackers thì những project có lợi nhuận trên 10k$/tháng cũng rất nhiều.
Tóm lại khởi nghiệp IT là điều đúng đắn
Nhưng
Hầu hết những người mình gặp đều có suy nghĩ như sau:
Chỉ cần có một cái app hay website thì xem như dự án sẽ thành công
Tính năng này hay, user chắc chắn sẽ thích
Chưa có app nào làm trên thị trường, mình là người đầu tiên
Tính năng này cái app kia cũng có, mình copy vô app mình rồi thêm tính năng khác của riêng mình vào sẽ rất ok
......
Nhưng thực tế thì hơn 50% người dùng không download app gì mới cả. Những app chính mọi người hay bỏ thời gian để dùng là Facebook, Youtube, Messenger, Gmail, Instagram, Maps. Anh nào hay đi lại thì có thêm Grab, Uber, chị nào sống ảo thì có mấy app chụp hình 360, SNOW, ai hay đọc thì có thêm Quora, Medium, vv
25% người dùng xóa app chỉ sau một lần dùng thử. Đúng là người dùng càng ngày càng dùng nhiều điện thoại nhưng 85% là dùng 5 apps lớn. Bạn cứ nhớ lại thói quen sử dụng app trên máy của mình xem có đúng không nhé.
Ngoài ra, đa số đều nghĩ đến tính năng này, tính năng nọ, ý tưởng abc, xyz nhưng điều quan trọng là gì. Đi tìm tính năng trước hay đi tìm giải pháp trước. Mà giải pháp thì giải pháp cho vấn đề gì? Liệu vấn đề này có phải là 'nỗi đau' của người dùng không? Hay bản thân đang đi tìm giải pháp không ai muốn dùng?
Và ý tưởng chẳng ý nghĩa gì khi không trả lời những câu hỏi trên một các thuyết phục.
Giống như trong năm nay, đã có 3 anh có ý tưởng về làm ứng dụng tìm việc làm ( kiểu Uber for jobs ) liên hệ với mình. Tính năng cũng y chang nhau và cũng rất tự tin là khi có app đảm bảo sẽ có người dùng. Và thực tế trên thị trường cũng đã có 3 app như vậy. Bạn thấy đó, ý tưởng ai cũng nghĩ được, tính năng ai cũng vẽ ra được. Nhưng ít ai đặt mình vào trường hợp của user, giá trị ứng dụng mang lại cho user là gì, tại sao họ nên xài app đó.
Vậy nên làm gì
Như mình đã nói ở bài Khởi nghiệp khi không biết lập trình. Không nhất thiết phải làm product ngay, đặc biệt là bản thân không chuyên về IT, trừ khi có quá nhiều tiền và tự tin 100% thì cứ thuê người làm thôi.
Cách tốt nhất là đi kiểm tra xem ý tưởng đó có khả thi thực sự như những gì mình nghĩ không trước khi bắt tay vào làm product. Mình cũng học hỏi từ sách vở nên chia sẻ lại vài tựa sách hay về vấn đề này:
Một quyển sách cực hay về validate idea là Will It Fly? của Pat Flynn, quyển này không những hướng dẫn validate idea về công nghệ mà còn tập trung và validate idea cho một ý tưởng kinh doanh, một sản phẩm để trả lời câu hỏi liệu ý tưởng này có thể phát triển hay không?
Quyển thứ hai là How to Build a Billion Dollar App của George Berkowski. Tác giả founder của Woome.com, ông cũng đi phỏng vấn và nghiên cứu bí quyết thành công của những app hàng đâu như Instagram, Whatsapp, Snapchat, Candy Crush, Square, Viber, Clash of Clans, Angry Birds, Uber and Flipboard. Mình nhớ sách có vài phần nói cực kì chi tiết về sự hình thành và phát triển của Instagram từ những ngày đầu tiên chỉ có vài nhân viên.
Quyển cuối là Hooked: How to Build Habit-Forming Products. Nếu muốn phân tích tính năng hay, tính năng dở thì nên đọc quyển này. Nói chung là quyển hay nhất về product development mà mình biết.
Kết
Ý tưởng thì ai cũng có, và ai cũng nghĩ được. Những buổi báo cáo cuối kỳ ở trường hay pitch ở các cuộc thi hackathon, bạn sẽ nghe những ý tưởng vô cùng 'tìm năng', tính năng nổi bật, hợp lý vô cùng nhưng sau khi qua môn, hết thi thì mọi thứ đều chỉ dừng lại mở mức .... ý tưởng