4 Loại MVP và bạn nên xây dựng loại nào?
MVP là gì?
MVP - Minimum Viable Product (Sản phẩm khả thi tối thiểu), là sản phẩm được tạo ra nhanh nhất có thể nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi của khách hàng, kiểm tra thị trường và nhận định sản phẩm có tiềm năng hay không. Qua đó quyết định có tiếp tục phát triển theo sản phẩm gốc hay thay đổi cho đến khi nào sản phẩm đạt được Product/Market Fit thì thôi.
Ví dụ Facebook, lúc MVP mới ra chỉ có tính đăng status, có comment. Hết. Chưa có nút like, thả tim, livestream, fanpage, group gì hết.
Và cũng chỉ đem test cái MVP đó test trên một tập user nhỏ nhất định. Facebook lúc mới ra cũng chỉ các trường đại học sử dụng.
No product MVP vs Product MVP
Nhưng bạn có biết rằng sẽ có nhiều loại MVP khác nhau không. Mình cũng luôn khuyên mọi người để kiểm tra ý tưởng thì cũng không nhất thiết phải xây dựng MVP với nhiều tính năng. Vậy cũng xem có những loại MVP nào nhé.
Mình tạm chia thành 2 loại:
No product MVP: Là MVP không cần phải xây dựng app/website mà vẫn có thể kiểm tra ý tưởng được.
Product MVP: Loại này bạn cần phải xây dựng app/website có tính năng dùng được.
1. Smoke Test và Sell Before You Build MVP
Mình xếp 2 cái này vào 1 loại vì chúng khá giống nhau.
Smoke Test
Smoke Test là phương pháp để kiểm tra thị trường, xem thử những giả định của bạn về sản phẩm có đúng không, thị trường phản ứng thế nào?
Ví dụ bạn có thể chạy chiến dịch Facebook Ads, Google Adwards. Khi khách hàng click quảng cáo sẽ dẫn đến Landing page của bạn. Bạn có thể đặt call to action ở Landing page như thu thập email khách hàng tiềm năng.
Dropbox khi xưa cũng làm như vậy, họ làm một landing page có 1 video giới thiệu app và thu thập email của khách hàng tiềm năng.
Landing page củ Dropbox
Sell Before You Build MVP
Khá giống như Smoke Test, bạn vẫn chưa xây dựng sản phẩm vội nhưng bạn đã thu tiền khách hàng trước. Ví dụ như crowdfunding trên Kickstarter hoặc bán khoá học trước rồi mới dạy.
Bạn có thể chạy quảng cáo, gửi email tới danh sách có sẵn đều được.
Ưu điểm
Chi phí cực thấp theo kiểu pay-as-you-go. Tức là bạn muốn test trên nhiều đối tượng thì có thể chạy nhiều quảng cáo.
Khuyết điểm
Cách này thường hiệu quả khi bạn đã có thương hiệu, tên tuổi trong lĩnh vực hoặc ít những là đã có lượng follow, subscribers nhất định. Với đa số khách hàng, 1 cái landing page và chưa biết bạn là ai thì không đủ thuyết phục được họ.
2. Concierge MVPs (MVP thủ công)
Concierge MVPs là thực hiện thủ công các công việc để giúp users đạt được mục đích của họ khi sử dụng MVP của bạn.
Ví dụ: Bạn đang xây dựng phần mềm hẹn hò, mai mối. Thay vì bỏ tiền xây dựng ứng dụng, website gì đó. Bạn cho khách hàng tiềm năng đăng ký vào một cái Google form. Rồi bạn tự đọc profile và matching họ lại với nhau. Sau đó bạn lại tự gọi điện để lên lịch hẹn gặp cho họ. Bạn vẫn có thể thu tiền với hình thức này.
Ưu điểm:
Bạn được nói chuyện trực tiếp với từng khách hàng một, hiểu được nỗi đau của họ. Ví dụ ứng dụng hẹn hò ở trên, bạn biết được đàn ông, phụ nữ họ sẽ muốn gì ở đối phương. User cởi mở chia sẻ những thông tin gì, những thông tin nhạy cảm nào họ không muốn nói với người khác. Từ đó bạn có thể cải thiện được dịch vụ/sản phẩm của bạn qua từng khách hàng.
Bạn không tốn chi phí để xây dựng app/website. Bạn có thể nói thẳng với khách hàng là bạn đang xây dựng ứng dụng, nhưng trong giai đoạn này thì mọi thứ được làm thủ công. Lúc này, bạn có thể dùng những kỹ thuật phỏng vấn khách hàng để định hình lại các tính năng chính nhằm xây dựng phần mềm sau.
Khuyết điểm
Vì làm thủ công nên bạn chỉ tiếp cận được 1 số lượng khách hàng nhất định. Điều đáng sợ nhất là liệu thử nghiệm trên tập khách hàng này có đủ phản ánh cả thị trường. Ví dụ 10 người đầu tiên bạn gặp đều đăng ký hẹn hò, 3 cặp đôi thành công. Nhưng liệu đây có phải chỉ là giả định trên 1 tập khách hàng nhỏ.
Tốn thêm thời gian vì trước sau gì bạn cũng phải xây dựng website, ứng dụng. Concierge MVP sẽ tốn bạn 1 khoảng thời gian làm thủ công sản phẩm/dịch vụ của bạn nữa.
3. Wizard of Oz MVP (Bàn tay phù thuỷ)
Với loại này, một số tính năng chính của sản phẩm, ở ngoài nhìn vô tưởng vậy nhưng bên trong cách thực hiện lại khác.
Vẫn là ví dụ hẹn hò ở trên, nhưng bạn muốn có tính năng AI (trí tuệ nhân tạo) dựa vào profile (bao gồm sở thích, công việc, tôn giáo, thu nhập, độ tuổi, vv) mà recommend user những người có thể phù hợp với họ.
Việc xây dựng thuật toán matching, phát hiện faked profile để đạt tới độ chính xác cao có thể mất cả năm. Nhưng với Wizard of Oz MVP, bạn thể xây dựng app bình thường, nhưng tính năng AI này, bạn tạm thời xây dựng 1 tool để con người tự làm. (Như show Bạn muốn hẹn hò ý)
Nhìn từ bên ngoài, app bạn có 1 tính năng matching hoàn hảo.
Ưu điểm
Trong những ngày đầu, bạn sẽ không đủ nguồn lực để xây dựng những tính năng phức tạp. Nên bạn tự làm hoặc thuê người làm thủ công sẽ ổn hơn nhiều để kiểm tra ý tưởng.
Bạn có thể lấy feedback từ khách hàng sớm hơn. Không ai có thể đợi bạn cả năm để xây dựng thuật toán cả.
Khác với Concierge MVPs, User đã có thể tương tác với sản phẩm của bạn rồi. Có nghĩa là bạn đã có thể kiểm tra ý tưởng của mình với ứng dụng thực tế, không phải mọi công đoạn đều thủ công như Concierge MVPs
Khuyết điểm
Cái tính năng chính mà bạn đang thực hiện thủ công như việc matching profile ở ví dụ trên cần những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Không phải ai cũng kinh nghiệm "tình trường" để ghép đôi phù hợp.
Với gốc độ kinh doanh, việc giới thiệu 1 tính năng/công nghệ nhưng thực sự bên trong không áp dụng chúng có vẻ hơi "gian dối". Vì thế bạn cần có lộ trình cụ thể: Nếu kiểm tra ý tưởng thành công thì khi nào bắt đầu áp dụng những thứ bạn quảng cáo với khách hàng.
4. Functional MVP
Functional MVP là sản phẩm có đầy đủ tính năng cần thiết để vận hành. Functional MVP sẽ lượt bỏ những thứ chi tiết, fancy (tính năng cầu kỳ) đi để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Ví dụ app hẹn hò ở trên, tính năng giới thiệu bạn bè để được điểm thưởng (Refer a friend) là không cần thiết, không cần làm.
Ưu điểm
Functional MVP sẽ đầy đủ tính năng cần thiết nhất nhưng vẫn đảm bảo tính tinh gọn (lean) nhất.
Khuyết điểm
Là loại MVP tốn chi phí và thời gian làm nhất. Founders cần hiểu rõ, tự tin về thị trường, nhu cầu thì mới bắt đầu làm.
Cần có người có chuyên môn về lĩnh vực đang làm cũng như về công nghệ để xác định được tính năng nào là cần thiết, tính năng nào là chưa cần thiết.
Kết
Tóm lại, sẽ có non product MVP và product MVP bao gồm Smoke Test, Sell Before You Build MVP, Concierge MVPs, Wizard of Oz MVP, Functional MVP. Độ phức tạp tăng dần.
Có một số loại MVP bạn cũng không cần code hoặc sử dụng các tool no-code để thực hiện.
Tuỳ theo kinh nghiệm, độ tự tin của bạn về thị trường mà lựa chọn loại MVP phù hợp để xây dựng nhé.