Nghề
Nghề
Nếu bạn hỏi mình môn gì phế nhất thời cấp ba, mình sẽ không ngần ngại trả lời là Hướng Nghiệp. Vâng, không biết chỗ bạn có học môn này không, hay học như thế nào? Thực tế môn này chả có gì quan trọng, trái ngược hẳn với cái tên thể hiện sự rất quan trọng của nó. Mình được học nó vào năm mới 11, trường xếp giáo viên môn Giáo dục công nhân vào dạy luôn cho tiện. Mình cũng không nhớ mình được học gì trong môn này. Mình chỉ nhớ mang máng có tiết mục cô cho cả lớp lên ghi nghề nghiệp tương lai lên bảng. Đồng bọn chưa lên viết đã có những tiếng nói leo bên dưới như Vá xe lu, lơ máy bay, diễn viên điện ảnh, siêu mẫu bên dưới. Mình cũng chả nhớ bọn bạn nó ghi cái khỉ gì, chỉ nhớ mình cầm cục phấn lên và ghi là Lập trình viên. Giờ đã 6 năm trôi qua, đúng là mình học trường IT thật, cũng đi code dạo, CV vẫn ghi là developer nhưng vẫn tự hỏi liệu mình có thực sự chọn đúng ngành.
À, cũng có một ông lên bảng ghi lập trình viên, giờ ổng cũng học IT. Thế mới nói, cái này nhà khoa học nghiên cứu rồi nha, khi bạn ghi ra mục tiêu của mình thì tỷ lệ đạt được sẽ cao hơn rất nhiều. Ủa nhầm topic rồi, sorry quay lại topic nghề nghiệp nè.
Lúc lên bảng ghi lập trình viên, mình cũng chả hình dung công việc là làm cái gì. Đơn giản là mình có máy tính từ lớp 5, tính ra là khá sớm so với đồng bọn ở cái vùng mình ở. Mình biết chơi game, lướt net. Lớp 10 có cũng kiếm tiền từ affiliate game mobile, nói mới nhớ thời đó GPRS mới phát triển, mấy game như Avatar nông trại, đánh bài BigKool, BigOne hot dữ lấm, phong trào quảng bá game bất chấp mọi thủ đoạn ra đời, trong đó có tui. Ủa lại nhầm topic rồi, sorry để mình quay lại topic chính.
Tới đâu rồi ta, à, túm lại lý mình ghi lập trình viên do tiếp xúc với máy tính và internet nhiều hơn so với đồng bọn. Nếu mình mà coi Hoài Linh, Chí Tài thì cõ lẽ giờ đã là diễn viên hài rồi. Nhưng điều đáng nói là không ai cho mình lời khuyên thật sự đúng về nghề nghiệp cả. Thời đó đa số mí bạn giống mình sẽ nghe điệp khúc, học cái này đi con, ngành này đang ngon lắm nè. Học cái kia đi con, thằng A con ông B nó cũng học cái gì ma két ting gì đó, lương tới 30 củ ( thiệt ra ông A đó học công nghệ thông ‘ting’ )
Chưa kể báo mạng giật tít kiểu top 10 ngành dễ thất nghiệp, 4 ngành thiếu nhân lực trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu 50000 nhân lực ngành XYZ tới năm 2020. Mình cứ vô tư đọc mà đâu biết rằng đây là những bài viết để marketing cho trung tâm, khóa học hay trang tuyển dụng.
Mà cũng không cần biết data có đúng hay không, những ai không có tư duy phản biệt sẽ teo ngay.
Nhiều ông sẽ bị bọn bạn bè lôi kéo nữa chứ, thôi học trường này đi chung với tao. Ai không có chính kiến, ham vui cũng teo luôn.
Hình như cấp 3 đang trong thời gian chọn trường, chọn ngành. Trừ những em có định hướng sớm thì đa số sẽ mông lung như một trò đùa. Bản thân mình học gần xong 4 năm cũng tự hỏi liệu mình chọn có đúng ngành không?
Có nhiều đứa bạn nói với mình rằng “mày sướng, biết mình đam mê cái gì rồi, cứ thế mà theo thôi, còn tao mới khổ nè, không biết mình đam mê gì”. Mình nghe vậy chỉ biết chạnh lòng. Vấn đề của bạn mình là nó không biết nó có học đúng ngành không, còn mình thì thích nhiều cái quá. Nhiều lúc thích viết nên nghĩ mình hợp viết lách, có lúc thấy code cũng có tiền nên nghĩ mình đi code, thích đọc sách nên nghĩ hợp với ngành xuất bản.
Liệu mình có chọn đúng ngành? Mình thực sự đam mê gì? Chúng có phải là câu hỏi đúng? Nên đặt vấn đề là mình cần làm gì để thử ngành đó?
Trong quyển sách nổi tiếng về nghề nghiệp - So Good They Can’t Ignore, Cal Newport có định nghĩa về craftsman mindset, tạm dịch là tư duy lành nghề. ( Bản tiếng Việt của quyển này là Kỹ năng đi trước đam mê )
Tức là khi bạn giỏi một cái gì đó mới gọi đó là đam mê được. Bạn nhìn thấy một đứa hát hay nhưng bạn đâu biết má nó cho nó đi nhà văn hóa thiếu nhi từ 4 tuổi, ngày nào có cũng ngân nga hát. Bạn thấy nhỏ bạn mình viết hay nhưng đâu biết nó tập viết cả mấy trăm bài rồi. Cũng như bạn chơi game giỏi thì mới mê chơi, chứ chơi ngu bạn sẽ chán và không chơi nữa.
Tóm tắt lại sẽ có 2 vấn đề ở tuổi vị thành niên này khi chọn nghề là không biết làm gì và thích làm nhiều thứ. Cả 2 trường hợp đều luẩn quẩn vì phải tìm đúng đam mê mới theo đuổi cái đam mê đó. Nhưng đam mê càng tìm càng ẩn.
Theo mình cách giải quyết tốt nhất là hãy quên đi câu nói nhảm nhí theo đuổi đam mê kia đi. Phải làm trong một thời gian dài và luyện tập kĩ năng đó xem mình có phù hợp không. Làm nhiều càng tốt. Ví dụ muốn làm hướng dẫn viên du lịch thì cứ ra mấy chỗ du dịch, công viên gì đó tập làm. Muốn làm lập trình viên thì tìm hiểu rồi tự làm phần mềm, ứng dụng, Muốn làm content writer thì tự viết blog, gửi bài cho báo Nếu làm mấy tháng mà hướng dẫn xong khách bỏ chạy, chỉ viết được phần mềm tính tổng hay viết một bài 1000 từ mất cả tuần thì đó không phải công việc phù hợp với bạn.
Vậy làm sao biết mình đam mê thứ gì đó: + Bỏ thêm nhiều thời gian nghiên cứu, tập luyện về kỹ năng đó mà không thấy chán. + Muốn càng ngày càng giỏi về kỹ năng đó + Có thể kiếm tiền từ kĩ năng đó
Ngoài ra nên bổ sung những kỹ năng như: + Critical thinking - tư duy phản biện. Ai nói gì cũng nên có chính kiến riêng. + Decision making - Kĩ năng ra quyết định để có những quyết định sáng suốt hơn + Đọc sách để hiểu biết nhiều hơn, biết được những cơ hội nghề nghiệp mới
Chúc các bạn trẻ lựa được ngành phù hợp. Còn bạn nào không trẻ giống mình thì cố gắng kiên trì luyện tập những kĩ năng mới, ai biểu thích nhiều thứ làm chi. Cho dù môn Hướng nghiệp có thay đổi thì chỉ có bạn mới hướng nghiệp cho bản thân được thôi.