Ý tưởng là thứ không có giá trị
Học công nghệ nhiều lúc chúng ta phải suy nghĩ ra ý tưởng mới để làm game, app, website, vv Có bao giờ bạn nghĩ sẽ làm ra một game giống LOL, hay một mạng xã hội như Facebook? Đôi khi bạn nghĩ rằng ý tưởng của mình rất hay nhưng thực chất thị trường không ai cần nó. Và điều quan trọng nhất đó là hành động chứ không phải ý tưởng.
Ý tưởng phần mềm tìm kiếm gia sư
Từ khi Uber, Airbnb ra đời thì có hàng loạt startup trên thế giới cũng như Việt Nam phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) này. Rất nhiều startup theo kiểu Uber for X được hình thành, trong đó X là một ngành hay đối tượng nào đó như food, home services, students, teacher, gay, vv. Cứ thay vào X và bạn sẽ có một ý tưởng khởi nghiệp mới. Năm ngoái, để tham gia một cuộc thi, mình cũng kiếm ý tưởng theo kiểu này và làm ra phần mềm Mạng xã hội Gia sư. Nhưng ý tưởng thì rất khác thực tế, việc làm được một ứng dụng "ra hồn" đã khó, huống hồ là một ứng dụng thành công.
Cũng sau dịp đó, mình có biết tới GotIt - một startup công nghệ khá nổi tiếng do người Việt làm.
Thật bất ngờ, những tính năng mình nghĩ sẽ xây dựng trong phần mềm Gia sư Việt đều có trong GotIt. Đặc biệt là tính năng kết nối những bạn học giỏi với học sinh để giải bài tập, trả lời thắc mắc bên trong ứng dụng.
Lúc đó mình cũng nghĩ là dân Việt Nam ta nói riêng và Châu Á nói chung học lý thuyết rất "trâu". Bạn nào quan tâm nền giáo dục Mỹ sẽ thấy kì thi chuẩn là ACT/SAT thì kiến thức mấy môn tự nhiên bên đó thua xa mình nhiều. Kiến thức trong ACT/SAT chỉ hơn cấp 2 ở Việt Nam một chút. Còn đến đại học họ mới học tích phân, đạo hàm. Nhiều ông luôn miệng đổ thừa nền giáo dục mình nặng lý thuyết. Mình cũng thấy vậy nhưng không nên lấy đó để ngụy biện được. Nặng về lý thuyết thì mình tự tìm đường mà thực hành đi, như thế không phải tuyệt vời sao. À, quay lại chủ đề hôm nay, dựa trên thực trạng đó, mình có ý tưởng xây dựng một ứng dụng kiểu như GotIt vậy, dân Việt Nam sẽ có cơ hội dạy mấy môn Toán Lý Hóa cho người nước ngoài và kiếm tiền đô luôn.
NHƯNG, bạn thấy đó, ý tưởng chả là gì hết. Sau cuộc thi, mình cũng không phát triển được ứng dụng Gia Sư Việt lên được.
Bị trùng ý tưởng?
Mình thấy một số bạn kiểu như có ý tưởng, đăng lên một số group hỏi có nên làm không. Rồi có người vô comment nói có người làm cái đó rồi là tỏ ra "nhục chí anh hùng " liền.
Tiếng Anh có câu tục ngữ là Everything under the sun, đại loại mà mọi thứ đều tồn tại rồi. Mình cũng hay nói vui với tụi bạn là "khi bạn có một ý tưởng mới, một là có người làm rồi, hai là bạn làm...... không được". Vì thế việc bị trùng ý tưởng là chuyện thường bình thường như đường nông thôn, không có gì phải lo lắng cả. Việc bạn phải làm là cải tiến hoặc chỉ cần có một điểm khác biệt so với các sản phẩm trước là được rồi.
Nếu theo kiểu suy nghĩ "có Facebook rồi, tôi không làm nữa" thì sẽ không có Twitter hay Instagram.
Bạn thấy đó, điểm khác biệt của Twitter so với Facebook là các dòng tweet ngắn chỉ 140 ký tự, điểm khác biệt của Instagram là mạng xã hội hình ảnh.
Kiểm tra ý tưởng?
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Dù hành động mới đem lại kết quả nhưng không có nghĩa là bạn có thể chọn đại ý tưởng rồi mới làm. Ý tưởng phải là của bạn, bạn thích thì mới có khả năng phát triển được. Nhưng vẫn chưa đủ, bạn cần phải kiểm tra ý tưởng liệu có phần trăm khả thi cao không nữa. Ví dụ giờ bạn có ý tưởng làm một trang mạng xã hội cá độ đá banh, hay mạng xã hội 18+ ở Việt Nam là tiêu ngay. Hồi xưa mình cũng có những ý tưởng này đó, cũng có làm luôn, hên mà làm không tới, không là giờ đang ngồi bóc lịch rồi. Tóm lại, cần phải có các phương pháp để kiểm tra độ khả thi của ý tưởng.
Tiếng Anh thì cụm từ này là "validate ideas", bạn cứ search rồi đọc thêm. Ngoài ra, mình xin giới thiệu quyển Will it fly của Pat Flynn nhé. Quyển sách này theo mình đánh giá một trong những quyển hay nhất về việc kiểm tra ý tưởng. Sách nhận được 4.9/5 review trên Amazon là bạn hiểu rồi, rất đáng đồng tiền bát gạo nhé!
Kết luận:
Dù bạn ở lĩnh vực nào đi chăng nữa, bạn cũng có ý tưởng làm cái này hay cái nọ. Bạn muốn tạo khóa học, viết blog, làm game, phần mềm, viết truyện, sáng tác nhạc, vv thì đừng sợ bị trùng ý tưởng. Hãy bắt tay ngay vào làm từ những bước nhỏ nhất là kiểm tra ý tưởng đó.