Trượt ván té đau sao vẫn chơi?
Chơi trượt ván ngoài bị gãy ván ra bạn còn có thể gãy những bộ phận khác trên người nữa.
Chơi trượt ván đa số bạn sẽ nhận sự phản đối của gia đình. Rất ít ba mẹ ủng hộ con mình chơi bộ môn mà chỉ toàn thấy té không là té, trừ khi ba mẹ cũng là skater.
Mình đem ván trượt từ Nam ra Bắc thì số đa số quảng trường đều cấm trượt. Lúc trượt thì nhận được những ánh mắt xa lánh hơn là ủng hộ tại sợ bị đụng trúng. Bạn cũng sẽ thường thấy biển cấm trượt chứ không thấy biển báo nào cho phép trượt ở nơi công cộng.
Khách quan mà nói trong mắt nhiều người, trượt ván có thể là một bộ môn lãng phí thời gian, tốn kém và có thể gây chấn thương cho bản thân. Vậy tại sao nó lại vẫn thu hút nhiều bạn chơi dù bị cấm cản.
Như Carl Jung - một trong những nhà tâm lý học nổi bật nhất trong lịch sử, đã nói rằng: “Nếu bạn không hiểu tại sao ai đó làm việc gì đó, hay nhìn vào kết quả của sự việc và từ đó suy ra động lực của họ”
Kết quả của tập luyện trượt ván là niềm vui khi land được những trick mới (Land trick chính là từ ngữ ám chỉ bạn thực hiện thành công một kĩ thuật nào đó).
Đa số người chơi ván đều “mạo hiểm trong cẩn thận” khi tập trick mới. Khi tập một trick mới chưa land được, skater sẽ biết mình có khả năng cao sẽ té sấp mặt.
Khi bạn biết rằng: bạn sẽ té không phải một lần, mà cả trăm lần, có khi cả ngàn lần mới land được trick mới, thì bạn sẽ cố gắng tối ưu những lần té của mình để đỡ chấn thương nhất đúng không nào.
Chẳng hạn như trick kickflip, là trick mà bạn nhảy cho ván bay lên rồi dùng chân trước đá ván cho nó xoay một vòng trước khi bạn hạ hai chân lại lên ván. Trong một trick như vậy sẽ có hàng tá trường hợp bạn có thể té và các kiểu chấn thương khác nhau. Ví dụ lúc bạn đá ván trượt ván, ván có thể cắm vào đầu gối bạn xịt máu, lúc bạn land thì có thể trượt lật cổ chân.
Nhưng các skater luôn biết tìm cách để tối ưu rủi ro nhất có thể. Họ sẽ tập từng động tác một như là tập ollie đưa ván lên không trung thật cao trước, sau đó tập đá ván trên thảm hoặc cỏ để lúc land bánh xe ít lăn và đỡ bị té. Sau đó họ mới tập với tốc độ cao hơn.
Đây cũng là lý do trượt ván có thể gây nghiện bởi lượng hormone được tiết ra.
Bạn té quá đau, cơ thể sản sinh ra endorphins giúp bạn giảm đau để đứng dậy tập tiếp. Như bạn tập gym hoặc chạy bộ, bạn chỉ thấy mệt, đau cơ, sau một thời gian bạn mới thấy có kết quả.
Nhưng trượt ván thì kết quả nó rõ ràng ngay trước mắt. Bạn land được, không té là bạn biết ngay, bạn cảm thấy vô cùng vui sướng do dopamine tiết ra. Chưa kể bạn quay video clip bạn land được trick mới, về đăng Instagram được like được khen land trick đẹp quá. Dopamine chồng chất dopamine, hormone hạnh phúc tràn ngập cơ thể bạn (source: https://www.youtube.com/watch?v=H0mHX8oPbLE)
Như vậy, con người (skater nói riêng) không thích theo đuổi việc giảm rủi ro mà tìm cách tối ưu và chinh phục nó.
Còn gì là thú vị khi bạn thấy rủi ro và dừng lại. Vậy thì sẽ không có những môn thể thao mạo hiểm như leo núi, đua xe, lặn tự do.
Đưa góc nhìn rộng ra một chút thì hầu hết những quyết định quan trọng trong cuộc đời chúng ta đều có rủi ro như việc học trường nào, ở đâu, làm gì, cưới ai, đầu tư vô đâu.
Trượt ván là một chuỗi fail, fail, fail, success lặp đi lặp lại Trượt ván như một mini game mô phỏng lại cuộc đời. Nên mình vẫn chọn trượt như một cách rèn luyện ý chí.
Còn bạn có thể bạn không trượt ván, nhưng khi gặp rủi ro bạn bỏ qua hay chinh phục nó?