Don't take advice - Sự thật về các 'tư vấn viên'
Hello mọi người,
Bài viết này xuất phát từ quyển sách The Happiness of Equation (Phương trình hạnh phúc) của tác giả Neil Pasricha. Có lẽ đây là một trong những quyển sách có nhiều ý tưởng mới nhất mình chưa từng biết. Đọc xong bạn sẽ nhận ra nhiều quan niệm mới cũng như cách suy nghĩ tiến bộ về hạnh phúc, về cuộc sống và làm sao để sống hạnh phúc hơn.
Bình thường mỗi quyển sách mình chỉ có một bài review là tối đa, nhưng với quyển này mình sẽ review cũng như phân tích khoảng 3 bài với 3 ý mình tâm đắc nhất trong sách. Hy vọng nó có thể có ích với các bạn. Ok, let's go!
Thống kê về bệnh ung thư phổi?
Trong phần này, tác giả có đưa ra một trích dẫn từ một ông CEO đã từng nói:
97% bệnh nhân ung thư phổi là người hút thuốc (smokers) và 97% người hút thuốc không bao giờ bị ung thư phổi.
Các bạn nhớ đọc kĩ đến chừng nào hiểu thì mới đọc tiếp nha. Sau 30s động não, mình cũng đã hiểu nghĩa đen của câu thống kê trên. Tức là ung thư phổi thì gần như là do hút thuốc, nhưng chưa chắc hút thuốc sẽ bị ung thư :). Có thể do hút thuốc ít không bị hoặc đã chết vì nguyên nhân khác trước khi bị ung thư phổi. Nó giống như bên Toán học, từ A có thể => (suy ra) B nhưng ngược lại thì chưa chắc.
Đầu tiên, mình lên mạng và "xác thực" ngay số liệu này có chính xác không, hay ông tác giả lại chém gió. "Gì chứ hút thuốc là ung thư ngay" - mình nghĩ. Nhưng thực tế thì câu trích dẫn đó đúng, các bạn xem thêm một topic tại Quora có số liệu khảo sát cụ thể: https://www.quora.com/Is-it-true-that-only-5-percent-of-smokers-get-lung-cancer
Vậy tại sao tác giả lại đưa câu thống kê này vào?
Giả dụ thấy người bạn hút thuốc, thông thường thì chúng ta sẽ đưa ra lời khuyên là "đừng hút thuốc nữa, bị ung thư đó". Chúng ta chỉ dựa vào cảm tính và đưa ra lời khuyên cũng cảm tính theo chứ không biết chính xác người bạn của mình hút bao nhiêu điếu một ngày, hay họ khi buồn mới hút, hay một năm hút một lần vv. Và quan trọng hơn, chúng ta không biết chính xác là có phải hút thuốc là sẽ bị ung thư liền không, hút bao nhiêu điếu là bị ung thư, con số cụ thể là bao nhiêu, chúng ta hoàn toàn không biết. Chúng ta thấy đa số người bị ung thư phổi đều do hút thuốc nên chúng ta đưa ra lời khuyên như vậy.
Thật trùng hợp là hút thuốc có hại nên những lời khuyên như vậy là hợp tình hợp lý, không có gì để bàn cãi. Nhưng bạn thử 'xoay trục' vấn đề thì sẽ hoàn toàn khác. Ví dụ mình đang phân vân học đại học hay học nghề, mình lên mạng tham khảo xem "có nên học đại học không?" thì sao?
Có nên học đại học không? Sự thật về các 'tư vấn viên'
Bạn thử search Google "Có nên học đại học không" và xem kết quả nhé. Bạn sẽ thấy có khá nhiều bạn trẻ đang mất định hướng đăng câu hỏi trên các diễn đàn, các báo mạng, các trang tư vấn trực tuyến. Dĩ nhiên có rất nhiều 'tư vấn viên' thể hiện trình độ ở đây. Có rất nhiều kết quả tìm kiếm, nhưng mình chỉ lấy một bài làm đại diện thôi nhé! Nên thi đại học hay học nghề - Vnexpress
Và câu trả lời của các tư vấn viên luôn luôn phân thành hai luồng, một bên ủng hộ học đại học và một bên chọn học nghề.
Cũng như lời khuyên hút thuốc sẽ bị ung thư, các 'tư vấn viên' đưa ra lời khuyên vô cùng cảm tính dựa theo những gì họ nghĩ là đúng, nhưng thực tế không phải vậy. Đặt trường hợp họ đúng đi chăng nữa thì họ chỉ là thiểu số trong đa số. Một người học nghề thành công, hay một người học đại học thất bại là do đâu? Có phải do môi trường học, hay do bản thân, do gia đình? Những nhà nghiên cứu mất cả chục năm mới dám khẳng định một vấn đề, làm sao chỉ mới đọc vài thông tin cơ bản mà họ có thể đưa ra lời khuyên chính xác được?
Và các tư vấn viên này là ai, họ có thể là một đứa chưa học hết cấp 3 hoặc một ông chỉ mới học đại học, chưa học nghề, hoặc mới học nghề chưa từng học đại học, rất có thể là như vậy.
Thật tế là có rất nhiều bạn hay tìm kiếm lời khuyên kiểu như vậy: "Có nên du học không?", "Có nên học X hay Y?" "Có nên làm tại X?", "Có nên yêu người lớn hơn mình", vv. Dù bạn tìm kiếm gì, đều có những tư vấn viên như thế sẵn sàng 'giúp đỡ' bạn.
Các câu tục ngữ đối lập
Francis Bacon từng nói thiên tài, trí tuệ, và tinh thần của một dân tộc được nhận biết thông qua vốn tục ngữ của dân tộc ấy. Tục ngữ chuyển tải những quan niệm và giá trị văn hoá hết sức đặc sắc của từng dân tộc. Bằng ngôn ngữ, trí tuệ của người xưa được tinh lọc và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy giá trị của tục ngữ thường được mọi người chấp nhận như là chân lí. Thế nhưng khi tìm hiểu tục ngữ, chúng ta thường gặp những cặp câu có vẻ trái ngược nhau:
Kiến tha lâu đầy tổ
Dã tràng xe cát
Còn nước còn tát
Mò kim đáy biển
Chậm mà chắc
Trâu chậm uống nước đục
Một cây làm chẳng nên non
Lắm thầy thối ma
Xa mặt cách lòng
Sự xa cách làm tăng thêm tình yêu
Cẩn tắc vô ưu
Việc gì đến sẽ đến
Trời cao có mắt
Thánh nhân còn có khi nhầm
Trong cái rủi có cái may
Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai
Có gan làm giàu
Trèo cao té nặng
Tốt danh hơn lành áo
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Tấm áo không làm nên thầy tu
Người đẹp vì lụa
Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn
Nhiều áo thì ấm đông người thì vui
Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa
Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ
Giàu đổi bạn, sang đổi vợ
Bần cùng sinh đạo tặc
Đói cho sạch rách cho thơm
Miếng ăn là miếng nhục
Có thực mới vực được đạo
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư
Ki cóp cho cọp nó xơi
Được đồng nào xào đồng nấy
Ít còn hơn không
Được ăn cả, ngã về không
Giàu chiều hôm, khó sớm mai
Dễ gì một sớm một chiều
Mất bò mới lo làm chuồng
Chưa đỗ ông nghe đã đe hàng tổng
Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê
Ông ăn chả bà ăn nem
Buổi tối nghĩ sai, sớm mai nghĩ đúng
Chớ để ngày mai
Một câu nhịn chín câu lành
Ân đền oán trả
Ăn không được bảo rằng hôi
Con cá sảy là con cá to
Yêu nhau lắm cắn nhau đau
Yêu nhau chín bỏ làm mười
Gieo gió gặt bão
Trồng sung ra vả
Trai có vợ như giỏ có hom
Trai có vợ như rợ buộc chân
Nguồn: ngonngu.net
Ở khía cạnh ngữ nghĩa, nhiều câu tục ngữ có tính đối nghịch nhau. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của một câu tục ngữ phụ thuộc vào tình huống mà nó được dùng hay được tạo ra. Hoặc cũng có thể do quan niệm cá nhân khác nhau, người ta có thể nhìn một sự việc với những thái độ khác nhau. Có thể khi nhận xét về cùng một việc làm, có người nghĩ đó là một công việc vô ích như ‘Dã tràng xe cát’ nhưng có người lạc quan hơn thì cho rằng ‘Kiến tha lâu cũng đầy tổ’.
Bạn thấy đó, từ xa xưa đã có những tư vấn viên như vậy rồi. Hãy nhớ rằng: Lời khuyên đa số phản ánh suy nghĩ của tư vấn viên, không phải suy nghĩ của bạn!
Trung tâm học nghề sẽ khuyên bạn học nghề, rút gắn thời gian. Sếp sẽ khuyên bạn làm việc chăm chỉ. Ba mẹ của bạn sẽ khuyên bạn học tập chăm chỉ và kiếm một công việc 'ngồi máy lạnh'. Đương nhiên, Viettel sẽ không khuyên bạn xài Mobifone. Trung tâm du học sẽ không khuyên bạn học tại Việt Nam.
Vậy tư vấn viên thật sự ở đâu?
Nếu những lời khuyên đều vô nghĩa, vậy những tư vấn viên thực sự đang ở đâu, họ thất nghiệp ư? Nói đi cũng phải nói lại, việc đưa ra lời khuyên là một chuyện, còn bạn tiếp nhận và làm theo hay không là chuyện khác. Quyết định phụ thuộc vào bạn. Dù bạn có làm theo lời khuyên hay không thì trái đất vẫn quay và máy bay vẫn cất cánh :)
Câu hỏi hack não?
Bài viết này cũng như một lời khuyên đúng không?
-> Đúng
A ha, chú khuyên người ta không nên nghe theo lời khuyên của người khác mà chú dám đi khuyên người khác nghe theo lời khuyên của mình ?
-> Đúng. Nhưng "Quyết định phụ thuộc vào bạn". Không phải mọi lời khuyên đều xấu, mọi người xấu đều có thể cho lời khuyên nhưng không phải người tốt nào cũng khuyên người khác làm điều tốt.
Kết luận:
Người hạnh phúc biết khi nào nên ngừng làm theo lời khuyên của người khác và bắt đầu lắng nghe bản thân mình. Nếu ai cũng nghe lời khuyên thì sẽ không có Apple, Microsoft, Facebook, Amazon, Tesla, vv
Cuối cùng, mình xin trích lại 4 câu của tác giả Neil Pasricha:
The answer are all inside you.
Think deep and decide what's best
Go forth and be happy
And don't take advice