Khởi nghiệp khi không biết lập trình
Khởi nghiệp khi không biết lập trình
Trong 3 năm qua, mình cũng gặp gỡ và trao đổi với vài người. Đa số là doanh nhân hoặc người đi làm đã lâu muốn startup với ý tưởng của riêng mình. Một điểm chung là họ không biết lập trình.
Các anh này muốn mình xây dựng ứng dụng phần mềm, đổi lại mình được một cổ phần trong công ty.
Nhưng liệu đây có phải là cách tốt nhất để khởi nghiệp, đặc biệt là với người không biết lập trình.
Bài viết này là quá trình hàng trăm giờ đọc sách về khởi nghiệp cũng như trải nghiệm của bản thân. Bài này áp dụng cả cho người không biết lập trình cũng như biết lập trình để trách bị tiền mất tận mang.
Ý tưởng tuyệt vời
Những người từng trao đổi với mình, họ đều có những ý tưởng rất tuyệt vời, thị trường rõ ràng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ.
Và họ nghĩ cần phải xây dựng phần mềm ngay lập tức, chậm trễ là người khác làm và 'cướp' mất ý tưởng của họ.
Khó
Đa số sách khởi nghiệp nối tiếng đều nói về MVP ( Minimum viable product ). Như quyển nổi tiếng Lean Startup, hầu như cả quyển sách đều nói về MVP. Mọi người nghĩ khi muốn khởi nghiệp công nghệ thì ít nhất cũng phải có một sản phẩm công nghệ đúng không nào. Phải build trước rồi có cái gì mới marketing sau. Làm gì làm phải build sản phẩm trước. Sản phẩm là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng.
Nhưng với một người không biết lập trình thì điều này thật khó khăn.
Một là tự học lập trình luôn, mà tự học thì rất vất vả, tốn thời gian mà chưa chắc làm được. Hai thì thuê bên ngoài, mà thuê ngoài thì cũng tốn kém, một ứng dụng nhỏ nhỏ với vài tính năng xài được thôi cũng trên trăm triệu rồi, chưa kể nâng cấp, bảo trì. Ba thì tìm một cofounder làm IT rồi chia lại cổ phần công ty, mà như thế thì sợ 'mất phần', 'lỡ' sau này công ty lớn rồi tiếc.
Nói chung là khó khăn trăm bề, suy nghĩ nát cái đầu mà không ra được giải pháp.
Một giải pháp đó chính là không nên vội build gì cả, kể cả MVP như mọi người thường khuyên. Thay vào đó phải phải kiếm tiền từ khách hàng trước khi có sản phẩm luôn.
Bằng cách nào, đó chính là tạo một Minimum Viable Business ( MVB ) trước.
Vậy Minimum Viable Business là gì?
MVB áp dụng tư duy 'do things that don't scale'. Tức là:
+ Đưa cho khách hàng giải pháp theo kiểu thủ công.
+ Hay có thể gọi là phiên bản 'cùi bắp' của MVP.
Thôi không nói đâu xa, mình sẽ lấy ví dụ những startup nổi tiếng nhất luôn:
Andrew Mason là sinh viên ngành nhạc, anh không biết code. Anh muốn xây dựng startup liên quan đến mua chung. Điều đầu tiên anh làm không phải là tập trung xây dựng website như thế nào mà đi thẳng đến các doanh nghiệp địa phương và xin mã giảm giá. Sau đó ông tạo một blog cực kỳ đơn giản bằng Wordpress và đăng những mã giảm giá này lên. ( Wordpress là trang hỗ trợ viết blog, rất dễ dùng ). Và ông bắt đầu quảng bá trang web này, có người dùng và bắt đầu kiếm tiền.
Groupon những ngày đầu tiên
Năm 2007, Joe và Brian sắp hết tiền để đóng tiền phòng. Nhân dịp gần phòng của hai anh chàng đang tổ chức một hội nghị về design. Họ nhận thấy các nhà nghỉ lân cận đều hết chỗ nên đã tạo một blog tên là airbedandbreakfast.com ( Air Bed and Breakfast ) rồi đi mua vài cái nệm ngủ về. ( nệm ngủ tiếng anh là air mattress ). Sau đó, có 3 khách đã đặt dịch vụ này, Joe và Brian kiếm được $240. Đây là MVB đầu tiên của AirBnb. Sau đó 2 anh này còn 'đục nước béo cò' bán ngũ cốc để duy trì AirBnb, câu chuyện của họ còn rất ly kỳ, bạn có thể tìm đọc thêm nhé.
AirBnb những ngày đầu tiên
Còn rất nhiều ví dụ từ những startup nổi tiếng khác như Uber, Vayable, Taskrabbit, đều có những MVB cùi bắp khi mới bắt đầu. Các founder phải đích thân phục vụ khách hàng từng chút một, founder Uber cũng lấy xe mình đi chở khách.
Bạn chỉ cần tìm thông tin trong phần History của những startup này trên Wikipedia, bạn sẽ nhận thấy một điểm chung là họ làm Minimum Viable Business trước cả MVP. Họ tìm khách hàng, kiếm được tiền trước khi nghĩ đến một sản phẩm công nghệ thực sự.
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những người có khả năng lập trình muốn xây dựng một product vĩ đại nhiều tính năng dữ dội những đã quên đi một điều là dù product hay như thế nào mà không có khách hàng cũng như công dã tràng. Chả ai quan tâm bạn xài frontend là React hay Vue, backend xài Express hay Django, app native hay hybrib cả.
"Life's too short to build something nobody wants."
Case study ở Việt Nam
Nói nước ngoài chi xa xôi, các startup thành công ở Việt Nam cũng có founder không biết lập trình đó thôi.
Lê Hồng Minh từng mở một tiệm game nhỏ, sau đó đi mua game về Việt Nam phát hành và giờ trở thành VNG lớn mạnh. Nếu lúc đó CEO của VNG không mở tiệm game mà tự học lập trình, hay tìm một đội tự lập trình game thì không biết sẽ thế nào?
Hay gần đây, mình thấy startup về việc làm là 9cv9 của anh Gilbert Neo cũng có MVB chỉ là một trang Wordpress với vài tin tuyển dụng, website thì load lâu. Anh founder vào từng group về IT trên Facebook, khi có HR đăng tin tuyển dụng, anh comment giới thiệu về 9cv9 với HR. Sau vài tháng, lượng tin tuyển dụng tăng lên đáng kể, lượng công việc hiện có nhìn không khác gì ITViec hay TopDev.
Vậy khi nào bắt đầu build?
Khi mà MVB của bạn 'chịu không nổi' nữa và bạn kiếm tiền từ nó. Như trang Wordpress của Groupon, AirBnb sập vì lượng truy cập. Đó chính mới là lúc lo về công nghệ. Nhưng lúc này bạn cũng đã có tiền và có khách hàng rồi. Mọi thứ đã rõ ràng hơn trước nhiều.