Day 0 - Kế hoạch và mục tiêu
Chào mọi người.
Thời gian vừa qua mình cũng khá lười, cộng với khoảng nghĩ Tết ta + dịch bệnh nên lại càng ì ạch, không còn productive như xưa.
Nên hôm nay mình quyết định bắt đầu một challenge là xây dựng được một MVP có lợi nhuận trong vòng 30 ngày.
Mỗi ngày mình sẽ viết blog lại để chia sẻ về quá trình mình suy nghĩ và làm. Mình cũng sẽ list các hoạt động để mọi người có thể cùng tham gia thử thách này nhé.
Kế hoạch
Ở ngày đầu tiên thì mình sẽ đặt kế hoạch + mục tiêu của thử thách lần này.
Ngày bắt đầu là ngày: 10/3/2020
Ngày kết thúc thử thách: 10/4/2020
Vốn bỏ ra: khoảng $1000
Vì chi tiết mỗi ngày mình cũng sẽ đăng bài riêng nên sẽ có 30 posts. Mỗi ngày mình sẽ giành khoảng 4h để làm + 1h viết lại bài tóm tắt. Tổng thời gian khoảng 150h cho challenge lần này. (hoặc hơn nếu OT :D)
Thời gian đăng bài tóm tắt là 10h tối mỗi ngày. Đây cũng là lần đầu tiên mình làm thử thách như thế này nên sẽ sắp xếp khối lượng công việc sẽ linh hoạt nhất có thể, nhưng tạm thời tổng quan kế hoạch như sau:
Ngày 0-5: Lên kế hoạch, tìm ý tưởng, nghiên cứu thị trường, chốt tính năng
Ngày 6-15: Thực hiện MVP
Ngày 16-25: Tiếp tụi hoàn thiện MVP, pre-sale
Ngày 25-30: Launching, after launch
Mục tiêu
Vì hiện tại cũng chưa biết làm sản phẩm gì nên cũng không có mục tiêu về users hay traffic được. Mình sẽ lấy doanh thu làm mục tiêu duy nhất vì nó đạt được cả 5 tiêu chí khi đặt mục tiêu (Specific, Measurable, Attainable, Relevant, Time-Bound)
Mục tiêu sẽ là có doanh thu $1000 sau 30 ngày
Activity
Nếu mọi người cũng đang muốn thử thách bản thân giống mình thì có thể tham gia thử thách nhé.
Join Discord Channel để tham gia thử thách nha! Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 1 - Tìm kiếm & đánh giá ý tưởng
Ý tưởng nên giải quyết vấn đề của bản thân bạn trước
Đây có lẽ là lười khuyên phổ biến nhất hiện nay khi bắt đầu 1 dự án đúng không nào? Bác Paul Graham đã viết một bài chi tiết về cách tìm ý tưởng khởi nghiệp ở đây
Bạn xem lại cuộc sống của bản thân xem có đang gặp phải vấn đề gì không, có công việc nào mà bạn phải thủ công làm đi làm lại nó, có công việc nào mà có thể ứng dụng được IT vào để tăng hiệu suất hơn không?
Nếu bạn có thể giải quyết được vấn đề của bản thân, thì khả năng cao là ai đó ngoài kia cũng sẽ cần giải pháp này.
Một số vấn đề + ý tưởng hiện tại của mình
Ví dụ hiện tại mình đang có một số vấn đề như sau:
- Mình muốn tăng tốc độ đọc sách (speed reading), cũng như cần có 1 tool để take note khi đọc hiệu quả hơn. Tại mình đọc trên nhiều thiết bị: Kindle, Mac, IPhone và cả iPad.
- Mình muốn có 1 app Pomodoro + Kanban mà có thể đồng bộ trên tất cả devices mình đang có. Hiện tại mình đang dùng Kanbanflow nhưng nó chỉ có bản desktop
- Mình hay nghe nhạc trên Youtube, nhưng mỗi lần làm việc mở Youtube lên cũng hơi phân tâm. Mình muốn có một app nghe giống Spotify nhưng là phát playlist Youtube (nhiều bài nhạc có trên Youtube mà Spotify chưa có)
Nhược điểm của việc ý tưởng xuất phát từ bản thân bạn
Vấn đề của bạn có thể không phải là vấn đề của người khác, hoặc rất ít người gặp vấn đề giống bạn, hoặc tệ hơn, đã có 1 giải pháp khác tuyệt vời giải quyết vấn đề này rồi.
Ví dụ bạn là con trai giống mình, rất khó để bạn có thể làm 1 app theo dõi kinh nguyệt như Flo. Dù bạn có thể trao đổi với 1 bạn nữ nhưng cơ bản thì bạn không phải là user nên khả năng thấu hiểu vấn đề user đang gặp phải cũng thấp hơn là 1 bạn nữ.
Đó là lý do nhiều chuyên gia khuyên bạn cần validate ý tưởng ngay cả khi trước khi bắt đầu làm.
Một số cách validate trước khi làm
Có 2 quyển sách mình thấy rất hay trong việc validate ý tưởng trước khi bắt đầu làm là:
- The Mom Test Link
- Will it fly Link
Một chiêu kinh điển là tạo landing page trước. Sau đó trình bày ý tưởng của bạn tới users tìm năng và thu thập email của họ luôn. Bạn có thể offer họ với coupon cho early users để bạn có thể lấy email họ.
Hoặc bạn cũng có thể presale, charge tiền users trước để validate cũng được.
Cách này khá là phổ biến và hiệu quả để biết ý tưởng của bạn có thực sự giải quyết được vấn đề của người khác.
Khó khăn duy nhất là bạn cần phải trình bày idea của mình một cách dễ hiểu và 'béo bở' nhất vì lúc này bạn chưa có sản phẩm.
Đánh giá các ý tưởng đang có
Bây giờ mình đang có 3 ý tưởng xuất phát từ 3 vấn mình đề cập ở trên:
- Speed Reading Chrome Extension
- Pomodoro Timer app
- Play Youtube Playlist MacApp
Kiểm tra nhu cầu của thị trường
Tìm với Google Keyword Planner
Ví dụ mình search các từ khoá liên quan tới app để xem thử số lượng người đã search những từ khoá đó
Kiểm tra các đối thủ cạnh tranh có chưa
Cũng dùng Google để search xem các app hiện tại
Bạn có thể search thêm keyword: "App name + alternative" để tìm thêm các app tương tự
Ý tưởng của bạn có tính thực tế?
Sau khi kiểm tra nhu cầu thị trường và các đối thủ, nếu bạn thấy ý tưởng bạn trùng với họ thì chúc mừng bạn, ý tưởng của bạn có tính thực tế rồi đó.
Bây giờ bạn cần cân nhắc xem liệu ý tưởng của mình có điểm gì đặc biệt nổi trổi so với các giải pháp hiện tại không nữa thôi?
Để làm được điều này, bạn cần phải research thêm bằng cách tải các app đối thủ về nghiên cứu, nhớ chú ý các điểm sau:
- Các app đó có tính năng gì chung, tính năng gì đặc biệt khác so với idea của bạn
- Idea của bạn có điểm gì khác mà các app đó chưa có
- Pricing họ làm thế nào như thế nào
- Feedback, rating của user về những app đó thế nào: User khen chỗ nào, chê chỗ nào.
Đây cũng sẽ là activity của mình vào ngày mai.
Bạn cũng có thể kiểm tra thêm ý tưởng bằng cách phỏng vấn khách hàng
Activity
Bạn hãy list khoảng 5 ý tưởng bạn muốn làm, mô tả sơ tính năng của chúng. Sau đó research các đối thủ trên thị trường thử nhé.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai
Day 2 - Chốt ý tưởng
Các ý tưởng đang có
Như ngày hôm qua, mình có các ý tưởng sau
- Speed Reading Chrome Extension
- Pomodoro Timer app
- Play Youtube Playlist MacApp
Speed Reading
Mình có tìm hiểu về phương pháp đọc nhanh, trong video dưới Tim Ferriss của có giới thiệu cách này, phút 5:47.
Kỹ thuật là lấy một vật nhọn như ngón tay, ống hút, bút làm "con trỏ chỉ đường" và lướt con trỏ này dưới dòng chữ.
Lúc này tốc độ mắt của bạn sẽ bằng với tốc độ của con trỏ. Mình luyện trên Kindle thì thấy cũng có hiệu quả, tốc độ đọc lên x2.
Có một vấn đề là đọc nhiều thì hơi mỏi tay để quẹt, nhất là khi đọc trên Macbook, tư thế tay cực kỳ mỏi.
Thế là mình nghĩ nên làm 1 extension cho browser (Chrome trước) để mô hình hoá cái kỹ thuật đọc này.
Tại sao là extension cho browser? Bởi vì nếu viết riêng 1 app speed reading thì phải làm luôn cả cái đọc files pdf, mobi, epub rất tốn công sức và sẽ không có gì đặc biệt so với các app đọc file hiện tại.
Tận dụng browser vì cũng nhiều người cũng đọc tin tức, tài liệu online.
Tiếp theo mình check Extension Store thì thấy cũng có app làm idea giống mình, cũng dựa vào idea speed reading của Tim Ferriss luôn:
Check review thì thấy phản hồi của user cũng khá tích cực.
Nếu làm ý tưởng này thì có 3 vấn đề:
- Mô hình kiếm tiền với extension khá khó (khó hơn làm web/mobile app)
- Tập giao của lượng 'user thích đọc' && 'user quan tâm speed reading' && 'user muốn speed reading trên browser' cũng thấp.
- Phải support thêm extension cho Safari
Pomodoro Timer app
Idea này thì bạn mình lấy thực hiện thử thách rồi, nên mình cũng không bàn nhiều. Khi nào app launch rồi mình viết bài chia sẻ sau nhé. Bạn có thể tham gia group Discord để thảo luận với mọi người nhé https://discord.gg/6SFW4yydvG
Youtube Playlist Player MacApp
Gần đây mình có mua cái app Magnet để sắp xếp các cửa số của Mac bằng phím tắt.
Giá 1.99$ mình khá hài lòng. Các bạn có thể thấy là việc kéo cái size của các cửa sổ ứng dụng thôi thì cần gì dùng app đúng không?
Nhưng có app thì sẽ đỡ tốn thời gian hơn, và cảm giác cũng cool ngầu hơn hẳn (it makes life easier 😅 😅 😅 )
Với giá $1.99, nhà phát triển trả cho Apple 30% còn $1.39.
Cần 720 users => doanh thu $1000
Cần 7200 users => doanh thu $10000
Đây là những con số có thể đạt được.
Quay lại idea Youtube Playlist Player MacApp, cũng giống như ví dụ app Magnet ở trên, user hoàn toàn có thể lên Youtube tự phát nhạc, chọn bài, chuyển bài, mute, vv.
Nhưng nếu có 1 app với mức giá ổn giúp tiết kiệm thời gian cho những thao tác này, thì mình cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Có 1 team VN cũng làm ý tưởng này rồi nhưng cho mobile app, cũng khá chất lượng, https://www.amazingmusicpro.com/
Với idea này, mình định sẽ niche hơn nữa. Đó là làm dạng Mac Menu Bar App chứ không phải app bình thường.
Nếu bạn nào không xài Mac, thì Menu Bar App là app có giao diện trên thanh Menu Bar (giống TaskBar bên Windows) - user bấm cho tiện.
Idea sẽ giống vầy:
Chọn ý tưởng nào?
Nói chung thì idea nào cũng sẽ có điểm hay, điểm dở. Với lại idea chỉ là một phần, phần quan trọng hơn đó là cách làm thế nào.
ideas are worth nothing unless executed. They are just a multiplier. Execution is worth millions. Ideas are just a multiplier of execution
Theo Sivers thì Execution quan trọng hơn nhiều so với idea.
AWFUL IDEA = -1\ WEAK IDEA = 1\ SO-SO IDEA = 5\ GOOD IDEA = 10\ GREAT IDEA = 15\ BRILLIANT IDEA = 20
NO EXECUTION = $1\ WEAK EXECUTION = $1000\ SO-SO EXECUTION = $10,000\ GOOD EXECUTION = $100,000\ GREAT EXECUTION = $1,000,000\ BRILLIANT EXECUTION = $10,000,000
Business = Idea x Execution
Để được target $1000 thì cần WEAK EXECUTION x WEAK IDEA là đủ rồi nhé 😱
Mình cũng đồng ý với quan điểm này. Cho nên sau khoảng thời gian đánh giá các tiêu chí của idea:
- Có thị trường
- Có đối thủ cạnh tranh
- Có thể làm được
- Có giải quyết được vấn đề của bản thân
- Bản thân có sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm
- Có validate (optional)
Thì mình sẽ chọn idea Youtube Playlist Player Mac Bar App vì nếu có app này thì mình cũng sẽ sãn sàng bỏ tiền ra mua.
Activity
Bạn hãy đánh giá các ý tưởng với các tiêu chí trên và chọn ra 1 ý tưởng để thực hiện nhé.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai
Day 3 - Mô tả tính năng + Mockup
Start small with a mirco niche
Ở ngày hôm qua, thì mình đã chốt là sẽ làm idea Youtube Playlist Player Mac Bar App.
Mình cũng đang phân vân là nên làm lean & simple (user tự import lại track/playlist thủ công) hay làm 1 client app đàng hoàng luôn (cho phép user login để load các playlist có sẵn của họ, thêm bài mới vào playlist, tìm nhạc mới, vv).
Mình nghĩ hướng thứ 2 hơi cồng kềnh. Không có số liệu chính xác, nhưng theo quan sát thì mình thấy thì đa số người nghe nhạc trên Youtube mà mình biết đều có playlist riêng của họ rồi.
Với lại idea Mac Bar app này tập trung vào việc chỉnh nhạc cho tiện để tập trung vào công việc hơn là việc tìm kiếm bài mới.
Nói chung thì "start small" thôi chứ đẻ ra nhiều features quá lại đi "xa bờ" nữa.
Mình biết là idea này đã cực kỳ niche rồi. Mục tiêu chỉ cần 1000 người có suy nghĩ giống mình là thành công.
Tính năng
- Import Playlist
- Quản lý danh sách playlist
- Chọn Playlist để phát
- Shuffle 1 playlist
- Repeat 1 bài
Mockup
Vẽ tay
Trước khi vẽ bằng phần mềm thì mình vẽ tay trước, cái này là vẽ trên iPad với Apple Pencil + app Procreate
Vì idea chưa hoàn thiện nên vẽ tay dễ sửa hơn, khiến suy nghĩ mạch lạc và nhanh hơn (chưa cần tập trung vào phần mềm)
Balsamiq Mockup
Đọc thêm: Sketch, Wireframe, Mockup, Prototype là gì và ví dụ?
Sau khi vẽ tay rồi mình qua phần mềm Balsamiq Mockup để vẽ lại cho chỉnh chu hơn.
Đây là bản đầu tiên:
Bản thứ hai thì có thêm quản lý playlist
Prototype
Sẵn mấy năm trước cũng có code iOS, Swift, giờ còn nhớ sơ sơ nên mình mở máy ra code cái prototype để xem thử thao tác nghe nhạc trên menu bar thế nào.
Nói chung thì cũng khá cool ngầu, đỡ phải mở trình duyệt ra, click trên menu bar cho tiện. Mà cái này cũng chỉ là chủ quan mình nghĩ vậy thôi, còn người khác có nghĩ vậy không thì không biết. Bạn thấy sao? Có tiện hơn chút nào không? 😰 😰
Activity
Bạn hãy liệt kê các tính năng từ ý tưởng, sau đó hãy vẽ mockup sơ bộ thử nhé, có gì cùng chia sẻ ở phần comment bên dưới nha.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai!
Day 4 - Có nên làm trái luật?
Có nên làm trái luật?
Mình mới xem lại YouTube terms of service cho developer, thì thấy là nó có 2 điều khoản như sau:
promote separately the audio or video components of any YouTube audiovisual content made available as part of, or in connection with, the YouTube API Services;
- create, include, or promote features that play content, including audio or video components, from a background player, meaning a player that is not displayed in the page, tab, or screen that the user is viewing;
Đại ý là sẽ không được tách file nhạc và hình ra riêng biệt. Chưa kể còn có các luật như không được tắt quảng cáo, không được thay đổi control khi chơi nhạc.
Cách chính thức và được phép là qua nhúng iframe qua web view.
Điều này có nghĩa là với tính năng và mockup hôm qua mình nghĩ thì sẽ không được phép.
Thật ra thì trên AppStore kể cả Google Play Store cũng có nhiều app tách audio và video ra và chặn cả quảng cáo.
Có vẻ hơi đạo đức giả nhưng theo quan điểm của mình là không nên làm mặc dù YouTube cũng chả biết mình là ai.
Người khác làm sai thì không có nghĩa mình được làm.
Giống như việc mình cũng có đọc sách lậu hoặc dùng phần mềm crack, nhưng mình sẽ không khuyến khích cũng như chia sẻ công khai sách, phần mềm tới nhiều người khác.
Mình cũng suy nghĩ là có nên đổi sang ý tưởng khác không?
Vị cứu tinh SoundCloud
Đang chán vì kế hoạch dùng YouTube phá sản thì mình nhớ đến SoundCloud.
Nó cũng là nền tảng chia sẻ nhạc lớn. Mình check lại một số bài mới ra xem thử SoundCloud có không và tada..
Hầu như tất cả bài hát trên YouTube có, SoundCloud đều có.
Chưa kể là có thêm nhạc của các nghệ sĩ, nhóm indie nữa chứ. Còn có cả podcast.
Tuyệt vời ông mặt trời.
Một điểm là nó ít có nhạc Việt, nhưng không sao, vì mình target vào user nước ngoài.
Thêm nữa là trình nhúng của SoundCloud cũng thân thiện với user nghe nhạc hơn nhiều. Xem như vừa đỡ mắc công custom giao diện mà lại đúng luật 😅
demo ngày 4
Activity
Hãy kiểm tra 1 lần nữa idea của bạn có vi phạm bản quyền, pháp luật gì không trước khi làm nhé.
Nên hỏi những người rành luật như luật sư nếu bạn chưa hiểu rõ phần pháp lý idea của mình
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai!
Day 5 - Ý tưởng này đã có người làm rồi
Có người làm rồi
Hôm nay mình mới research thêm về cái idea SoundCloud menu bar Mac App thì tada...
Có 1 bạn làm app này từ... 5 năm trước rồi.
App Cumulus
App này cũng open source luôn: https://github.com/gillesdemey/Cumulus
Mình có tải về thì thấy cũng khá ngon. Nói thật thì lúc mới thấy app thì mình cũng hơi buồn á. 😰
"there is nothing new under the sun"
Tình huống này đã từng xảy ra với bạn chưa?
Bạn nghĩ ra một idea và rất hào hứng, bạn tìm trên mạng thì thấy chưa có ai làm nó. Rồi bạn bắt đầu làm nhưng tình cờ bạn biết 1 app giống idea của bạn nhưng nó 'ngon' hơn nhiều.
Rồi, giờ bạn làm gì?
Một số sẽ hơi thất vọng rồi cố cho rằng idea của bản thân vẫn có chút gì đó khác biệt với idea của người khác.
Một số sẽ "quick fix", nghĩ ra liền những features mới để cho idea sẽ có chút khác biệt.
Một số khác (như mình) sẽ trải nghiệm thử app rồi chợt nhận ra là không những idea mà cách thực hiện app của họ còn hoàn thiện hơn bản thân nhiều (trong khi mình mới có idea 😆 )
Sự thật là dù bạn có nghĩ ra idea gì thì một là nó đã có người nghĩ/làm rồi. Hai là nó quá khó chưa ai làm được - Khoa Nguyen
Nhưng idea của bạn có người làm rồi cũng là một tín hiệu tốt
Làm gì khi ý tưởng này đã có người làm rồi?
Vì sao mình nói là tín hiệu tốt. Vì idea này đã có người làm rồi, nên mình đỡ mắc công validate idea nữa.
Mình đã check xem user feedback như thế nào với app Cumulus này
Đây là một số comment của user trên Product Hunt về app này.
Bạn có thể thấy là user phản hồi cũng khá tích cực. Như vậy là đỡ phải validate idea rồi.
Tiếp theo là nghĩ cách 'out-play' đối thủ. Đối thủ cũng là một tính hiệu tốt.
Có đối thủ tức là bạn có những số liệu, thông số, UI,UX, features để so sánh, đánh giá.
Ngoài ra, bạn còn có thể thấy được users hiện tại của đối thủ đang khen/chê gì về sản phẩm, từ đó có thể làm những tính năng mới để đáp ứng nhu cầu của tập user này.
Một ví dụ hầu như mà ai cũng biết là Steve Jobs. Ông không phải người đầu tiên sáng tạo ra máy tính, máy nghe nhạc hay điện thoại. Điều ông đã làm là khiến những sản phẩm này tốt hơn, đẹp hơn.
Quay lại bản thân thì nhờ phát hiện ra app Cumulus này, mình cũng có thêm nguồn tham khảo để hoàn hiện app mìnhh hơn, đặc biệt là phần design.
Activity
Nếu có lỡ idea của bạn đã có người làm rồi (mình nghĩ khả năng rất cao) thì cũng đừng buồn bã đến mức từ bỏ.
Trước tiên hãy ăn mừng, vì đỡ mắc công validate nhiều.
Sau đó hãy tiếp tục tìm cách cải thiện, out-play đối thủ nha.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai!
Day 6 - 4 Mô hình kiếm tiền từ phần mềm
Tính đến hôm nay thì mình đã hoàn thiện flow ứng dụng như mockup rồi. Thời gian tới chỉ chỉnh sửa lại design, làm branding với chuẩn bị launch nữa thôi.
Trong thời gian này, mình cũng đã nghĩ đến các mô hình để kiếm tiền vì ban đầu đã lỡ dại đặt goal là $1000 revenue rồi. Đúng là không nên chia sẻ mục tiêu công khai mọi người à, mình thấy hơi áp lực rồi đó 😆😆😆
Dưới đây là một cách có thể kiếm tiền từ việc làm phần mềm.
Chạy quảng cáo
Với ứng dụng nghe nhạc thì user cũng thường xuyên bật ứng dụng lên, tỷ lệ hiển thị quảng cáo cũng ổn. Nhưng mà về mặt UX thì khá phiền, không ai muốn thấy quảng cáo cả.
Chưa kể là với app trên menu bar vốn đã nhỏ thì không còn chỗ nào đặt quảng cáo cả. Nên mình không chọn cách này.
Donation
Donation là xuất bản phần mềm miễn phí và nhận tiền ủng hộ từ users.
Theo mình thì nếu user đã có tương tác với tác giả từ trước thì mô hình ủng hộ này hiểu quả hơn.
Ví dụ users đã đọc blog, biết tác giả trước thì họ sẽ có nhiều thiện cảm cho tác giả => donate cho họ.
Monthly subscription
Monthly subscription thì mỗi tháng user phải trả một khoảng tiền tuỳ theo nhu cầu sử dụng. (Như Netflix, Soundcloud, Spotify)
Sẽ có các gói pricing với các mức giá khác nhau cho user lựa chọn.
Thường các ứng dụng SaaS sẽ dùng mô hình subscription này.
Và ứng dụng cũng nên có đủ độ phức tạp về tính năng, đa dạng về nội dung hoặc app có lưu trữ 1 lượng dữ liệu nhất định của user thường xuyên thì mới áp dụng mô hình subscription này được.
Như app nghe nhạc của mình thì quá đơn giản, không dùng mô hình này được.
Subscription cũng là mô hình mà nhà phát hành thích nhất, vì chi phí để có được user mới luôn mắc hơn là chi phí để giữ user lại. (theo khảo sát này)
One-time payment
User trả tiền 1 lần và dùng cả đời kể cả có bảng nâng cấp mới.
Đây có thể là mô hình mà users thích nhất. Như mình có mua một số app như Notability trên iPad, Magnet trên Mac đều one time payment, trả một lần mà dùng được trọn đời.
Đa số ứng dụng phía client (không tốn hoặc tốn ít chi phí để duy trì backend server) thì nên áp dụng mô hình này.
Xét về cả tính năng và độ khả thi có thể bán đươc thì mình sẽ chọn mô hình one-time payment cho ứng dụng nghe nhạc của mình.
Bonus
Một cách khác là cố gắng tăng lượt traffic, users đến một mức nhất định rồi... bán lại cho những người cần.
Mình có biết số developer phát triển extension cho Chrome, hay Wordpress plugin. Đến khi có khoảng vài chục ngàn lượt tải rồi đem bán lại cho người cần.
Activity
Dựa vào tính năng của ứng dụng của bạn, hãy tìm hiểu những cách có thể kiếm tiền được từ ứng dụng. Sau đó hãy phân tích và lựa chọn mô hình phù hợp nhé.
Day 7 - Nghĩ branding, làm landing page
Hôm nay mình bắt đầu đặt tên, làm logo và landing cho app.
Đặt tên
Thường thì lúc đặt tên cho app, bạn nên mở thêm 1 tab để check xem domain có người mua chưa.
Đừng để trường hợp nghĩ ra tên rất tâm đắc rồi check có người mua rồi lại mắc công.
Trường hợp đẹp nhất thì nên dùng domain .COM.
Tuy nhiên nếu .COM có người đăng ký rồi nhưng họ không dùng thì bạn search thử trên Google
Nếu chưa thấy nhiều kết quả thì có thể lấy tên đó nhưng dùng đuôi domain khác.
Một số đuôi phổ biến cho phần mềm như: .app, .io
Thực ra mình chọn tên từ mấy ngày trước rồi. Vì là menu bar app nên mình đặt là SoundBar luôn.
Slogan
You should be able to explain your startup in one sentence. - 1 video từ YC mà mình đã quên tên
Nên giới thiệu app mình ngắn gọn và xúc tích trong 1 câu thôi. Làm sao trong 1 câu mà users hiểu tổng quát tính năng của app.
Cách tốt nhất là lên Product Hunt xem mấy app top #1->#3 xem họ viết gì rồi học theo thôi.
Một vài sologan, bạn thử xem có đoán đúng tính năng của chúng không nhé:
- Modern and Delightful Web Debugging Proxy
- Turn websites into apps and change the way you use your Mac
- The fastest tool for measuring anything on your screen
- Never think of timezones again!
- Launch a bunch of macOS apps just with 1 shortcut or click!
Bạn có thể trổ tài dự đoán bên phần comment bên dưới nhé.
Còn đây là slogan của app mình:
Distraction-Free SoundCloud music player right on your menu bar
Logo
Bạn nào không tự design được thì có thể thuê freelancer trên Fiverr đẻ làm. Giá rẻ và nhanh nữa.
Project này mình thấy logo cũng không quan trọng lắm, vì lúc chạy app, mình cũng ẩn logo rồi nên mình tự mở Sketch làm cho nhanh luôn
Landing page
Dù bạn có phân phối app qua AppStore thì cũng cần có 1 landing page để giới thiệu app.
Về landing page thì mình chôm ý tưởng ý tưởng của người khác rồi về sửa lại tý.
Bản gốc thì họ dùng background image, mình đổi thành file gif cho trực quan hơn.
Landing page ở đây:
Description & Video Promo
Hai phần này thì mình chưa làm.
Description thường khoảng 1-3 câu để mô tả về ứng dụng.
Video Promo thì cũng hơi tốn thời gian nên mình sẽ để làm sau.
Hai phần này thì nên làm nổi bật 'pain point' (nỗi đau) của khách hàng là gì.
Cấu trúc thông thường như sau
- Problem (pain point) là gì?
- Các giải pháp hiện tại có chưa, tại sao cần giải pháp mới
- App của bạn nổi bật chỗ nào.
Activity
Trong lúc làm MVP thì bạn cũng nên thì vẫn nên nghĩ tên, sologan, logo trước để tiết kiệm thời gian nhé
Nếu bạn mới đọc series này, thì bạn có thể đọc phần giới thiệu từ ngày 0 của mình ở đây. Bạn có thể tham gia thử thách với group trên Discord tại:
Day 8 - Kênh phân phối, kênh thanh toán: AppStore vs Gumroad, Paddle vs Stripe
Nếu không có gì xảy ra thì mai mình sẽ launch. Hôm nay thì sẽ bàn về kênh phân phối và kênh thanh toán nha.
Các ưu điểm, khuyết điểm đều dựa theo tiêu chí là mình bán one time payment product và mức giá nhỏ hơn < $6. Với sản phẩm monthly subscription thì sẽ khác.
Kênh phân phối
Appstore
Appstore vừa là kênh phân phối app, vừa là cổng thanh toán luôn
Ưu điểm:
- Tiếp cận được nhiều users có sẵn. Nhưng theo mình thì Mac users ít tìm app mới trên store so với là iPhone/iPad users. Bởi vì Mac thì có thể cài ứng dụng bên ngoài được, còn iPhone/iPad không được (trừ khi Jailbreak).
- Apple có kênh thanh toán nên users sẽ tin tưởng hơn
- Apple cũng duyệt app trước nên users cũng an tâm là app không có mã độc, virus.
Khuyết điểm:
- Tốn 99$/năm
- Thời gian duyệt app lâu, 1 năm trước mình submit là khoảng 2 ngày. Đổi cái description cũng phải submit rồi đợi duyệt
- Doanh thu phải chia lại cho Apple 30%, bạn lấy 70%
Mình sẽ không dùng Appstore, nếu doanh thu được trên $99 thì mình sẽ renew Apple developer account và submit app lên Appstore sau 😬
Gumroad
Gumroad là nền tảng để bán digital product (như sách, software, nhạc) và physical product (như nón, áo thun)
Gumroad cũng có cái feed để users tìm sản phẩm mua.
Ưu điểm
- Có gói free và gói pro $10/month. Gói free bạn bị charge 8.5% + $0.3 trên 1 sản phẩm. Gói pro thì bạn sẽ bị charge 3.5% + $0.3 trên 1 sản phẩm
- Có support user trả tiền qua Paypal
- Có hỗ trợ tool để tạo lisence
- Có monthly subscription payment
Khuyết điểm
- Nếu bán app qua Gumroad thì user không tin tưởng như App store
Kênh thanh toán
Stripe
Có một lựa chọn là Stripe, nhưng hiện tại Stripe chưa hỗ trợ Việt Nam, nên bạn phải đăng ký công ty ở nước ngoài hoặc lấy số EIN để tạo doanh nghiệp cá nhân bên Mỹ ở Việt Nam cũng được.
Nói chung quy trình cũng tốn thời gian để verify nên mình bỏ qua lựa chọn Stripe cho project lần này
Paddle
Paddle là platform thanh toán chứ chưa có kênh phân phối.
Paddle thì nhắm đến SaaS Commerce Platform nên mình nghĩ nếu có monthly subscription thì dùng Paddle tốt hơn
Ưu điểm
- Cá nhân vẫn có thể dùng được, không cần lập công ty
- Có hỗ trợ phần thuế như Appstore
Paddle is an All-in-One SaaS Commerce Platform - much more than a tax calculator. We act as the Merchant of Record (a reseller, just like the App Store). This means we calculate, file, remit your software sales taxes on your behalf, so you're free to run and grow your business.
- Documents cho developer đầy đủ và chi tiết
- Có hỗ trợ tool để tạo lisence (ngon hơn Gumroad)
Khuyết điểm:
- Nếu bán one time payment product thì bạn sẽ bị charge 5% + $0.5 trên 1 sản phẩm
Bán bao nhiêu sản phẩm mới được $1000
Hình lấy từ bài viết này
Bảng này là phí phải trả cho Gumroad hoặc Paddle
Mình chọn Gumroad vì nó phù hợp với project lần này nhất.
Nếu mục tiêu là $1000 thì cần phải bán được khoảng ~ 215 sản phẩm với mức giá $5/sản phẩm
Cho tỷ lệ converstion rate (CR - tỷ lệ chuyển đổi) là 1% thì phải reach (tiếp cận) được khoảng 21500 người.
Mà mình nghĩ CR chắc cũng 0.01 quá 😱
Nếu lên được #5 Product Hunt với Hacker news thì chắc được á 😆😆😆
Activity
Tuỳ loại app mà bạn chọn cổng thanh toán cho phù hợp nha.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai
Day 9 - Launch day & first sale
Cách kênh để giới thiệu sản phẩm
Producthunt (PH)
Mình đã launch khoảng vài app trên PH rồi và vị trí cao nhất là đc #5.
Việc bạn lên top cao thì sẽ lên được homepage. Mà lên được hompepage thì sẽ tiếp cận nhiều người hơn.
Nếu app trong top #11 (page đầu tiên của tab popular ngày hôm đó) thì có để được khoảng trên từ 10k -> 30k visit (số mình đọc từ các blogger khác chia sẻ)
Còn làm sao để lên top thì PH có thuật toán riêng dựa vào nhiều yếu tố. Nếu app được upvote từ profile lâu năm, có nhiều followers thì tỷ lệ lên top cũng cao hơn
Tuỳ theo subreddit mà có lượng reach riêng.
Mình làm app cho Mac nên mình đăng trong sub /r/macapps
Với subreddit này lên được top 1 thì cũng được vài ngàn lượt reach nữa.
Hacker News (Show HN)
Mình chưa bao giờ lên top được với Show HN nên cũng đăng cầu may vậy thôi. Có thể là idea quá niche, khó wow người khác được.
Đăng lên social rồi chạy quảng cáo
Bạn có thể đăng post lên mạng xã hội như Facebook rồi chạy ads, hoặc lên Twitter thuê KOL đăng bài lại (DM họ luôn, đa số đều rep á.)
Để lát viết xong bài này mình chạy thử xem sao 😆😆😆
First sale
Sau khi launch mấy tiếng thì cũng được first sale 🤑
Là khách từ Reddit
Nếu cuối ngày mà được tầm 10 sales là xem như thành công. Vì idea mình cũng rất niche, launch thì cũng để organic (thuận theo tự nhiên)
Làm gì tiếp theo?
Còn thiếu $996 và dư 21 ngày nữa để đạt target của challenge lần này.
Mai là ngày thứ 10, có thể mình sẽ nghỉ 1 ngày để review lại 10 ngày qua
Sau đó viết 1 bài tổng kết cũng như kế hoạch tiếp theo trong 20 ngày còn lại để đạt mục tiêu ban đầu đề ra.
Khả năng cao sẽ là làm tiếp 1 app nữa 🤣🤣🤣
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 10 - Nhìn lại 10 ngày qua
Kết quả ngày launch
Đến hiện tại thì được 2 sales rồi mọi người 😆. Mục tiêu hôm qua 10 sales không hoàn thành rồi.
Nhưng nhìn lại thống kê traffic trên landing page thì có một số liệu khả quan. Mình đang suy nghĩ chạy paid ads thử.
Có 2 sales trên 55 users. Trừ 11 users là bạn mình share trên Facebook ra thì cho còn 41 người
Thì CR tới ~4.8%. Một con số khá so với suy nghĩ của mình.
Vậy nếu kéo traffic khoảng 5000 users vào thì được 240 sales 🤣
Đùa thôi, chứ đương nhiên với tập users lớn thì CR giảm lại nhưng đây cũng là điều khả quan.
Điều mình cảm thấy được nhất 10 ngày qua
Đó là sự cam kết và không bỏ cuộc các bạn à.
Chưa bao giờ mà ngày nào mình cũng phải viết trên 500 chữ 1 ngày liên tục 10 ngày cả.
Có 2 bữa mệt, buồn ngủ nhưng cũng ráng viết vì nếu bỏ 1 bữa thì coi như không hoàn thành thử thách.
Ngoài ra, nếu bỏ cuộc thì mình có cảm giác thấy hơi thất vọng bản thân.
Theo chủ nghĩa khắc kỷ nên mình không sợ người khác nói gì về mình. Mình chỉ sợ mình không cam kết với bản thân thôi.
Đặt ra thử thách là để mình tốt hơn.
Thành công không quan trọng, quan trọng là mình về đích được, giống như thi chạy marathon vậy - Nam thanh niên chưa từng tham gia marathon nào chia sẻ.
Điều cảm thấy chưa được
Đó là sự vội vàng trong các quyết định.
Nhìn lại kế hoạch từ ngày 0 thì mình đã:
- Hơi vội trong lúc research market. Có một app tên SoundBar giống tính năng luôn mà lúc launch mới biết.
- Lúc bị rắc rối phần Youtube policies ở ngày 4 thì cũng vội switch sang SoundCloud ngay.
- Lúc launch cũng vội, như dự tính là hôm thứ 6 (hôm nay) mới launch, nhưng cũng lật đật chuẩn bị launch thứ 5 luôn vì nôn muốn biết feedback của users ra sao.
Chi phí
Thời gian
- khoảng 12h viết blog (11 bài viết 💪)
Vốn
Vậy hiện tại đang lỗ khoảng $40 😰
Kế hoạch sắp tới
Vẫn còn khoảng 20 ngày cho thử thách này nên sắp tới mình sẽ làm 2 việc chính
- Marketing thêm cho Soundbar để tăng sale. Làm thêm 1 version free để boost sale cho paid version.
- Tiếp tục làm thêm 1 app mới. Thua keo ngày ta bày keo khác. Ngày mai sẽ theo quy trình như Soundbar nhé mọi người. Bạn có idea gì comment gợi ý mình nha.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai
Day 11 - Bế tắc với những ý tưởng mới
Mình đang có một số ý tưởng mới để tiếp tục làm trong những ngày sắp tới.
Reading Tracker
Idea
Lúc trước mình có 1 cái reading list gần 100 quyển, nhưng lúc migrate từ Wordpress sang Hugo lỡ xoá mất tiêu.
Với lại cái list cũ cũng dạng gạch đầu dòng khá xấu.
Giờ mình đang track lại list book đã đọc bằng Airtable, nhìn cũng đỡ hơn nhiều.
Từ nhu cầu của bản thân thì mình đang idea làm 1 tool để user tạo và share, embeded reading list vào trang cá nhân, blog của họ.
Một số tác giả nổi tiếng Josh Kaufman (The Personal MBA) như James Clear (Atomic Habits) đều có 1 list book
Một số tính năng như
- Sync từ Goodreads (có API), Amazon, iBooks (chưa check API)
- Tự nhập tay sách, nhưng lúc nhập sẽ có auto completion. Như mình hiệnt tại là gõ lại từng tựa sách
- Cho phép embeded iframe book list vào website cá nhân
- Tự động gắn Amazon affiliate link vào mỗi sách.
- UI hiển thị đẹp như là 1 digital bookshelf
Mới tham khảo một số idea về UI từ link này
Độ khó
Nếu làm idea này thì cả định nghĩa tính năng, mockup, UI, frontend, backend, deploy rồi launch nữa thì 20 ngày (~100h) có vẻ hơi quá sức
A text-based role-playing game
Mình cũng đang tính phần còn lại của challenge thì làm có gì đó mà mình chưa làm bao giờ để có thể học cái gì đó mới luôn.
Đang mùa dịch, hay làm game gì đó liên quan về nó, kiểu tránh bị lây nhiễm, rửa tay, đeo mask, bla bla 😩
Mình mới mua thử text-based game top 1 Appstore mấy năm trước là A Dark Room
Cũng không thấy gì vui, do mình cũng ít chơi game hay sao thấy không hợp gì hết.
Độ khó
Về mặt code thì có vẻ đơn giản, cũng có vài open source để tham khảo. Nhưng cái khó là game design, thiết kế level, nhân vật, cốt truyện.
Trong vài ngày không thể nào làm nên chuyện được.
Speading reading
Idea này mình có nói ở day 1 rồi.
Cũng thấy khó triển khai với định nghĩa scope
Copycat
Giờ không nghĩ nhiều chi cho mệt. Tìm 1 app này thấy thích và mần thôi 😱
Hôm nay cũng hơi bế tắc.
Một cách kể chuyện nổi tiếng của mấy truyện anh hùng như Harry Potter, The hobbit, The Lord of the Rings là anh hùng lúc giữa game sẽ bế tắc và mất định hướng
Nhưng sau đó vượt qua được và gánh team cuối game. Hy vọng mai đỡ bế tắc.
Đang bế tắc thấy có quyển này 🤣
Hẹn mọi người vào ngày mai nha.
Day 12 - Bỏ cuộc
Hôm nay muốn nghỉ thử thách tại đây quá mọi người.
Finish what you start
Phần ác quỷ trong đầu mình nói là "thôi ông nghỉ mẹ thử thách này cho rồi, làm chi mệt quá. Netflix có mấy phim mới chưa coi kìa.".
Phần thiên thần thì khuyên rằng "tôi tin chắc 1 điều là nếu ông hoàn thành thử thách này thì chắc chắn blog có đủ 30 bài viết về chủ đề này. Gê chưa 😱
Còn nếu giờ mà bỏ cuộc thì lại lãng phí thời gian đọc tin tức dịch bệnh nữa thôi, chứ cũng có làm được gì đâu.
Thử thách này mà hoàn thành thì sẽ có nhiều động lực làm những thử thách khác nữa ông à 💪"
Thôi nghe theo thiên thần vậy 😇. Phần tư tưởng đã xong, tiếp tục hành trình nào
Chọn ý tưởng giải quyết vấn đề của bản thân trước
Như app SoundBar, mình sẽ chọn idea mà mình cảm thấy khi làm ra mình sẽ dùng nó hằng ngày: Speed Reading app
Mình sẽ làm Chrome Extension trước.
Mình research thì cũng có vài app rồi, app readermod khá ổn nhưng tập trung vào trải nghiệm đọc chứ không niche vào speed reading.
Mai thì mình sẽ viết tiếp về tính năng & mockup.
Gặp lại mọi người vào ngày mai nhé 👋🏾
Day 13 - Speed Reading, Chrome Extension
Tính năng chính của Speed Reading
Có một phương pháp đọc nhanh là Rapid Serial Visual Presentation (RSVP). Tức là mỗi lần mắt chỉ đọc 1 chữ duy nhất. Giống như video này:
Mình đã thử và cảm thấy không hiệu quả lắm, đọc thì nhanh nhưng chả nhớ gì sau khi đọc. Còn khá nhức mắt và đau đầu nữa.
Mình thử phương pháp mà Tim Ferriss giới thiệu thì mình cảm thấy hiệu quả hơn. Nên mình chọn phương pháp này để làm app.
Mình cũng muốn validate trước, cơ bản thì sẽ có 2 tính năng chính như vậy thôi
- ReaderMode giống như Reader View của Safari
Làm một Chrome Extension đơn giản
Buổi sáng mình có đọc docs tại:
Kênh Youtube của anh này cũng rất hay
Sau vài tiếng thì mình cũng hiểu được cơ chế hoạt động của Google Extension, có làm thử 1 cái cực kỳ đơn giản này:
Tham khảo Open Source
Buổi chiều thì mình check thử trên Github xem có ai làm chưa thì olala, có 1 project tên là Just-Read đã có cái feature reader mode rồi.
Khả năng cao là bạn ReaderMode lấy source từ Just-Read để phát triển lên vì UI,UX giống nhau. Cả landing page cũng giống nhau nữa.
Việc cả 2 apps đều có lượng users cao và feedback tốt thì chứng tỏ một điều là nhu cầu về 1 Chrome Extension để cải thiện việc đọc là có.
Nhưng nhu cầu để đọc nhanh thì mình chưa biết.
Uncertainty
Nói thật thì mình cũng không tự tin với idea này lắm. Nên mình sẽ validate trước với 2 tính năng chính trước.
Vì nhu cầu speed reading là có. Nhưng đa số sẽ muốn học kỹ thuật đọc để đọc sách giấy, Kindle, vv
Với idea này mình sẽ cố gắng launch sớm. Nếu feedback tốt thì tiếp tục làm thêm bản pro sau.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai!
Day 14 - Nên tự code hay thuê outsourcing
Hoàng thành mockup
Như mình nói hôm qua thì đã có một project open source có tính năng Reader View rất tốt rồi. Mình sẽ dựa vào nó để phát triển thêm tính năng speed reading nữa.
Đọc thêm Can Open Source software be used for commercial purposes?
Mình thêm 1 side bar để điều khiển tính năng speed reading.
Một số setting cơ bản để app có thể chạy được 😆
Nên tự code hay thuê outsourcing
Trường hợp bạn đã biết lập trình
Nếu bạn đã biết lập trình rồi thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Nếu dự án bạn dự định làm bạn đã biết làm rồi thì không còn gì để nói. Bạn có thể tự làm cho tiết kiệm chi phí.
Bạn chỉ nên thuê khi không có đủ thời gian.
Còn trường hợp dự án bạn định làm có công nghệ mới bạn chưa biết thì bạn phải bỏ thời gian ra học nó.
Mặc dù lập trình có nhiều mảng: frontend, backend, mobile, game, lập trình nhúng, vv
Nhưng nếu bạn đã biết 1 mảng thì học mảng khác sẽ dễ dàng hơn. Nói là dễ thôi chứ không phải đụng cái là làm được nha.
Câu hỏi là bạn có thời gian và sẵn sàng học công nghệ mới?
Trường hợp bạn không biết lập trình, nhưng bạn chưa hiểu nhiều về công nghệ
Nếu bạn chỉ mới có ý tưởng. Chưa hiểu rõ về cách 1 app hoạt động ra sao, bạn cũng chưa từng làm việc với dev thì không nên thuê outsourcing vội.
Bạn nên học thêm về công nghệ tới mức có thể trao đổi ý tưởng cho dev hiểu thì mới nên thuê outsourcing sau.
Trường hợp bạn không biết lập trình, nhưng bạn biết quản lý dự án
Biết quản lý dự án thì cơ bản:
- Hiểu cách hoạt động của phần mềm
- Biết cách làm việc với freelancer. Trao đổi sao để họ hiểu ý bạn
- Quản lý được tiến độ.
- Xử lý khi có sự cố xảy ra
Xem thêm: 6 lưu ý để thuê lập trình viên freelancer hiệu quả hơn
Mình nghĩ trường hợp này bạn nên thuê outsourcing.
Tại sao mình thuê outsourcing cho dự án lần này.
Có một vài lý do:
- Mình biết đọc giả của NIVIKI cũng có nhiều bạn không phải là lập trình viên. Hy vọng những ngày sắp tới, mình viết về việc thuê outsourcing sẽ giúp ích được cho bạn. Biết đâu sau này, bạn cũng thuê freelancer để outsourcing app thì sao.
- Vì app đầu tiên trong challenge mình đã tự code rồi. Mình cũng cảm thấy hơi burn-out khi vừa code vừa viết blog, vừa code dự án MVP cho khách hàng nữa. Nên muốn giảm bớt việc trong vài ngày.
- Mình cũng muốn validate sớm. Nếu ổn thì tiếp tục idea này, còn không thì làm tiếp 1 app nữa 😂😂😂
- Mình cũng không rành code frontend lắm, nhất là chỉnh css. Giờ mình vẫn còn search how to center a div in another div mà 🤣🤣🤣.
Hiện tại mình đã đăng job lên Upwork rồi nha. Hẹn gặp mọi người vào ngày mai
Day 15 - Thuê freelancer trên Upwork thế nào
Hôm nay mình đã đăng công việc lên Upwork để thuê freelancer trên nền tảng này.
Tại sao mình chọn freelancer trên Upwork?
Có những lý do sau:
- Upwork có rất nhiều freelancer. Tha hồ lựa chọn.
- Mức giá muốn cỡ nào được cũng từ rẻ đến mắc
- Có thể tạo job (công việc) theo giờ hoặc theo dự án
- Quy trình trên Upwork cũng rõ ràng: Đăng job -> nhận proposals của freelancer -> trao đổi với freelancer -> chọn freelancer -> tạo contract -> freelancer làm xong -> review, feedback kết quả -> trả tiền.
- Developer trên này làm việc cũng nhanh, phù hợp với khung thời gian để hoàn thành challenge lần này.
- Mọi quy trình đều được Upwork đứng ra hỗ trợ, nếu bạn không hài lòng thì có thể có liên hệ support ngay.
- Hiện tại tháng đầu đăng ký thì sẽ được free 1 tháng Pro. Pro thì sẽ có tính năng feature job giúp job của bạn được nhiều freelancer thấy hơn.
Nếu bạn chưa đủ tự tin với việc trao đổi bằng tiếng Anh thì có thể chọn Vlance.vn.
Mô tả tính năng
Tuỳ theo độ phức tạp của dự án mà bạn nên chuẩn bị tài liệu, mockup. Dự án càng phức tạp thì càng cần chi tiết.
Nhưng mục tiêu chung là để developer có thể hiểu được ý muốn của bạn về phần mềm
Không nên viết nhăng viết cụi để thể hiện hay làm tính năng phức tạp lên. Cũng không nên viết sơ xài quá freelancer không hiểu.
Về idea speed reading, mình có public file mô tả ở đây, bạn có thể tham khảo nha.
Làm việc với freelancer trên Upwork
Sau khi có mô tả về job cần làm thì bạn tạo task trên Upwork
Tips: Bạn có thể đặt các câu hỏi thêm để freelancer trả lời. Nên chọn những freelancer trả lời có tâm các câu hỏi này.
Bạn lưu ý để có thể lọc freelancer phù hợp với các tiêu chí như:
- Mức giá
- Success rate
- Level
Sau khi đăng job khoảng 3h thì mình nhận được 4 proposals.
Những biển hiện freelancer không thèm đọc mô tả công việc của bạn:
- Proposal chỉ nói về bản thân của anh ta: ‘Tui có 10 năm exp, đã từng làm công ty này, công nghệ abc, xyz tui đều biết, bla bla”
- Proposal không có chi tiết nào liên quan đến project của bạn, chứng tỏ anh ta chỉ copy và paste
- Anh ta không có câu hỏi gì cho bạn. Mình chưa từng thấy dự án nào hoàn hảo đến mức không cần phải hỏi lại. Hỏi lại bạn cũng là một cách thể hiện freelancer đã hiểu dự án của bạn tới đâu.
- Anh ta gửi rất nhiều link demo cho bạn. Khả năng cao là anh ta cũng copy/paste để gửi hàng loạt. Nếu cần thiết gửi link demo, chỉ 2 cái là đủ để bạn đánh giá rồi. Anh ta còn không có thời gian lựa ra những link phù hợp nhất để gửi cho bạn.
Đọc thêm: 6 lưu ý để thuê lập trình viên freelancer hiệu quả hơn
Chốt timeline
Nên chốt thời gian xong, thời gian review mất lao lâu với freelancer luôn để 2 bên sắp xếp thời gian hơp lý.
Job của mình thì có 1 bạn nói sẽ làm xong trong 1 tuần, 1 bạn thì nói trong 1 ngày 🤣
Để đánh giá được thực lực của freelancer thì cần một chút kinh nghiệm, biết cách đánh giá khả năng của họ. Cái này mình sẽ chia sẻ ở một bài riêng nha.
Ngoài ra, nếu dự án phức tạp thì bạn nên chia ra các giai đoạn (phase) để làm nhé.
Ví dụ job của mình $150 (dù không phức tạp), mình cũng chia làm 2 phase:
- Phase 1 ($80): Xong tính năng
- Phase 2 ($70): Review và chỉnh style
Nếu freelancer trễ deadline thì bạn có thể nhắn hỏi xem có chuyện gì không, có yêu cầu nào chưa rõ chưa, có yêu cầu nào mà freelancer bị stuck không. Để 2 bên cùng giải quyết
Giao tiếp để thấu hiểu
Làm gì khi phát sinh tính năng mới?
Mình cũng từng và đang làm freelancer nên mình hiểu được kiếm đồng tiền cũng không dễ dàng gì đâu.
Đừng nghỉ có tiền rồi thuê họ làm 1 tính năng, nhưng lại đẻ thêm 3,4 tính năng nữa.
Nếu bạn có nghĩ ra tính năng mới hoặc mô tả thiếu tính năng thì hỏi họ là thêm vào luôn thì độ phức tạp, tốn thời gian bao lâu và sẵn sàng thêm chi phí phát sinh nếu có.
Như mình muốn thêm feature là call api để lấy user email và gắn analytics. Mình biết là đơn giản nhưng vẫn phải hỏi để developer thấy được mình tôn trọng thành quả lao động của họ.
Kết
Với kinh nghiệm vừa làm freelancer trên Upwork cũng như thuê freelancer trên nền tảng này, mình hy vọng bài viết ngày hôm nay giúp ích được cho bạn.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 16 - Test App, thuê designer trên Fiverr
Cập nhật tình hình hiện tại
Hiện tại thì developer trên Upwork đã làm gần xong rồi, mình đang test và feedback lại thôi.
Mình cũng phải chỉnh sửa lặt vặt một số thứ nữa thì có thể ngày thứ 18 mới xong.
Lần trước mình submit extension lên store thì thời gian duyệt khoảng 4 ngày.
Vậy là nhanh nhất thì tới ngày 22 mới có thể lên store.
Trong những ngày đợi extension được duyệt thì mình có thể làm website, video promo.
Chuyện đặt tên
Lúc đầu mình đặt là SpeedReading nhưng tên này domain đăng ký hết rồi.
Sau đó là Speed pointer vì có tính năng pointer.
Mình chuyển sang ghép chữ: Pointeed nhưng thấy kỳ kỳ.
Sau đó chọn ReadingPointer.com
Chuyện làm logo trên Fiverr
App Soundbar trước thì mình tự làm trong có 20p nên thấy khá xấu. Vì nó cũng là app trên menu bar nên cũng không thấy logo.
Lần này mình muốn thuê người làm để đỡ hơn.
Mình chọn Fiverr để tìm designer làm logo, tốn $15
Mình cũng có làm 1 video về làm logo:
Nhưng lần này mình muốn thuê người vẽ tay lại cho đẹp.
Concept
Bạn chuẩn bị trước concept của logo để design làm việc cho dễ.
Đây là concept của mình:
Còn đây là logo designer gửi mình.
Mình không hài lòng vì quá cẩu thả. Job là hand draw mà bạn này chỉ như copy icon về rồi gắn lên vậy.
Mình gửi feedback lại rồi.
Nếu làm logo không kịp thì mình sẽ dùng tạm để submit lên Extension Store trước rồi sau này đổi lại để không kịp tiến độ.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 17 - Mô hình kiếm tiền, đặt thống kê
Mô hình kiếm tiền
Mình có tham khảo 3 chrome extension phổ biến về đọc, đọc nhanh là: Just Read, ReaderMode, ShiftText thì cả 3 đều có mô hình kinh doanh khá giống nhau.
- Có bản free để reach được nhiều user hơn
- Bản pro có nhiều tính năng với one-time-payment
- Có thêm bản premium hỗ trợ lưu dữ liệu người dùng như notes, highlight, thống kê người dùng, vv thì sẽ tính tiền monthly subscription.
Hiện tại mình muốn thử mô hình đặt sponsor + donation ở vị trí dễ thấy mà không là phiền user.
Lý do chọn mô hình này là nếu user có nhu thật thì thời gian họ dùng app sẽ là vài giờ mỗi ngày.
Giả sử có 1000 active user.
Mỗi ngày 1 user đọc khoảng 10 lần
Thì reach sẽ khoảng 10,000/ngày. Một tháng thì khoảng 300,000 reach.
Là lượt reach gần ngang một blog tầm trung rồi.
Đặt thống kê số liệu (metrics)
Vì mô hình kinh doanh là đặt sponsor nên mình đã đặt tracking một vài chỉ số như:
- Thời gian user ở lại phần reader mode.
- Số lượt user bấm vào button start để đọc
- Số lần user đọc hết 1 page bằng speed reading (khi pointer ở cuối page)
Việc đặt tracking sẽ giúp bạn biết chính xác con số để đi deal và tìm sponsor nữa.
Theo cuốn, Lean Analytics - một quyển rất hay về cách gắn, thu thập và xử dụng số liệu (metrics) sao cho đúng vì nếu track nhiều thứ mà không tận dụng thì cũng như không track.
“A good metric is a ratio or a rate” - Lean Analytics
Vậy nên 1 metric quan trọng nhất là:
Tỷ lệ user đọc hết 1 page bằng tính năng speed reading trong 1 ngày/1tuần/1tháng
Tỷ lệ này càng cao thì chứng tỏ là user thích idea này.
Vậy con số bao nhiêu mới là cao?
Để trả lời thì phải có thêm 1 metrics là
Tỷ lệ user mở phần reading mode (active users) trong 1 ngày/1tuần/1tháng
Nếu Tỷ lệ user mở phần reading mode (active users) mà cao nhưng Tỷ lệ user đọc hết 1 page bằng tính năng speed reading lại thấp thì chứng tỏ điều gì?
Là users thà mở reading mode lên đọc không thôi, cái idea speed reading xem như vứt (ít người đụng 🤣)
Tóm lại quyển Lean Analytics là must-read cho ai làm sản phẩm mà chưa đọc.
Promo video concept
Mình đã lên concept cho video promo rồi. Chôm từ hiệu ứng Don't blink của Apple
Mình mới làm nháp để lên concept thôi, ít bữa sau khi submit extension thì thời gian đợi mình sẽ chỉnh lại text, nhạc nhẽo nữa. Video có sai chính tả, mọi người đừng bắt bẻ nha🤣🤣🤣
Day 18 - Hoàn thành ứng dụng
Hoàn thành ứng dụng
Bạn developer trên Upwork làm việc khá nhanh. Tổng chi phí hết $160
Sau khoảng 3 ngày và 3 lần review thì đã xong được cái tính năng speed reading.
Mình cũng gắn analytics vào luôn rồi.
Sau đó mình chỉnh lại mấy cái link lặt vặt rồi submit thôi.
Hy vọng là sẽ được duyệt nhanh, chứ bị reject thì không kịp challenge mất.
Lúc mình submit để review thì cũng hiện là do dùng nhiều permission nên extension sẽ được 'strict review', tức là sẽ lâu hơn extension bình thường.
Mình đang có linh cảm là sẽ bị reject hoặc bị trễ rồi các bạn à.
Thôi cứ setup hết landing page, promo video, Producthunt page các kiểu rồi đợi thôi.
Nếu xong sớm thì làm app khác tiếp, còn 11 ngày lận mà 🤣
Start Something That Matters
Hôm nay mình bắt đầu đọc quyển Start Something That Matters.
Câu chuyện về một chàng trai mở công ty sản xuất giày (TOMS Shoes) với sứ mệnh là với mỗi đôi giày bán được thì công ty sẽ tặng 1 đôi cho trẻ em nghèo.
Hiện tai TOMS Shoes có valuation trên $600M rồi. Sắp tới đọc xong mình review chi tiết sau nhé.
Sẵn tựa sách có liên quan nên mình cũng hy vọng là series MVP truyền được động lực tới mọi người.
Hãy bắt đầu thứ gì đó mà bạn cảm thấy quan trọng.
Hãy bắt đầu thôi vì có khó khăn, có thử thách chúng ta mới vượt qua và trưởng thành hơn được.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai!
Day 19 - Đó là một câu chuyện buồn
Một câu chuyện buồn
Như ngày thứ 16, mình có nói là bạn designer trên Fiverr làm logo xấu quá, mình hơi không hài lòng.
Thì bữa hôm sau (ngày 17), bạn có nhắn cho mình tin nhắn là người bà con của bạn bị nhiễm virus COVID-19.
Đúng là số người nhiễm trên toàn thế giới cũng nhiều (hôm nay 680k người), nhưng mình cũng bất ngờ là tại sao lại trùng hợp vậy.
Mình cũng có nhắn tin an ủi, hy vọng người nhà hồi của bạn đó phục sớm. Vì bạn designer cũng để emoji :) trong tin nhắn, mình nghĩ chắc bị nhiễm thì đi cách li như ở Việt Nam mình thôi.
Vì job này là deadline trong 1 ngày, ngày 17 là đã 3 ngày rồi. Mình cũng cần có logo sớm để submit luôn extension lên store cho kịp tiến độ.
Mình có nhắn thêm cho bạn designer là nếu về nhà thì gửi bản revision cho mình. Bản này cũng chỉ tăng kích cỡ con cú với đổi màu thôi, không sửa gì nhiều.
Tới cuối ngày hôm qua (ngày 18), vẫn chưa có. Nên mình cũng bực mình rồi end job luôn. Xong cho review 2.4 sao cho bỏ tức.
Xong thấy hành động của mình hơi sai, nên nhắn tin giải thích
Sau đó, bạn designer cũng vào nói là mai gửi source file cho, rồi cũng không nói gì và rate mình lại 4 sao
Lúc này mình biết mình sai rồi. Là do mình đang cần gấp chứ bạn designer đó vẫn vui vẻ sửa theo ý mình. Dù cho bạn đó vẽ tay không đẹp nhưng vẫn rất cố gắng. Mình nên rate 3.5 hoặc 4 sao gì đó sẽ hợp lý hơn.
Qua ngày hôm nay (ngày 19), buổi sáng mình có nhắn lại bạn đó gửi source file cho mình. Thì nhận được tin nhắn là bạn đang ở.....đám tang 😢
Đương nhiên, người mất có thể là người bị nhiễm COVID-19 hoặc một người khác hoặc cả câu chuyện này không có thật. Nhưng mình tin nó có thật.
Cảm giác lúc đó mình thấy tội lỗi sao sao ý. Mình chỉ nhắn lại là "I'm sorry about your loss", cũng không đòi file nữa.
Nhưng buổi chiều bạn đã gửi file gốc cho mình. Mình cảm ơn bạn
Thấu cảm
Mình làm challenge này vì lý do chính là muốn quên đi vụ virus để làm cái gì đó hữu ích hơn.
Trước lúc làm challenge mình đọc tin tức mỗi ngày khoảng 2h, rồi online FB đọc thảo luận trong mấy group. Cập nhật số người nhiễm, chết mỗi sáng.
Trong khoảng người mấy ngày mình làm challenge thì mỗi ngày chỉ đọc tin tức khoảng 15p. Nhưng vẫn cập nhật số người nhiễm, chết mỗi sáng.
Mình cố gắng sống khắc kỷ nhất có thể. Chỉ làm những việc mình có thể thay đổi được như ở nhà không ra đường cả tháng nay, học tập cái mới, đọc sách, không chia sẻ tin tức tiêu cực, chưa kiểm chứng và nhắn tin ủng hộ.
Nhưng ngày hôm nay, mình lại gặp một câu chuyện liên quan đến virus chết người này trong lúc làm challenge. Mình nhắc lại là câu chuyện của bạn designer có thể không có thật.
Nhưng nó khiến cho ngày hôm nay là ngày mình sẽ nhớ nhất trong challenge lần này.
Là ngày mà mình nhận logo
Là ngày mà mình biết mình nên nói lời tốt đẹp với 1 người đang gặp khó khăn
Là ngày mà mình biết mình nên bớt ích kỷ lại.
Là ngày mà mình cần học thêm về sự thấu cảm.
Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Day 20 - Landing page
Làm landing page
Hiện tại landinage đã gần xong rồi. Ngày mai, mình làm lại các video promo, video giới thiệu tính năng nữa là sẽ hoàn thiện.
Check it out https://readingpointer.com/
Mình dùng Hugo + Netlify để làm landing page nha.
Lần này mình chủ yếu là dùng video để giới thiệu idea với tính năng.
Sẽ có 3 video: Video overview, video tính năng reader mode và video tính năng speed reading.
Port extension sang Firefox add-on
Mình mới biết là có thể port extension của Chrome sang Firefox add-on được khá dễ dàng.
Bước 1: Tải extension này về
Rồi lấy .crx của Chrome extension
Bước 2: Vào https://www.extensiontest.com/ chọn file .crx rồi xem có thể port sang được không.
Bước 3: Submit và đợi duyệt.
Nếu có báo lỗi thì bạn bỏ những tính năng mà bên Firefox không hỗ trợ là được. Ví dụ bên Chrome mình có dùng API Identity nhưng bên Firefox không có thì mình bỏ đoạn code này là được.
Tình hình hiện tại
Firefox thì duyệt app rất nhanh. Chỉ khoảng 8h. Nếu có update bản mới lên thì cũng 8h để duyệt thôi.
Còn Chrome extension thì 2 ngày rồi chưa duyệt nữa.
Hiện tại mình còn làm video nữa là sẽ launch được. Nhưng cũng phải chờ xem extension có được duyệt không.
Nếu thời gian duyệt lâu thì mình sẽ viết bài để làm content marketing về speed reading.
Day 21 - Thử nghiệm early adopter
Early adopter là ai?
Early adopter là người thử nghiệm và dùng thử 1 sản phẩm trước người khác.
Định nghĩa gốc
An early adopter is a person who embraces new technology before most other people do. Early adopters tend to buy or try out new hardware items and programs, and new versions of existing programs, sooner than most of their peers.
Một số trang crowdfunding như Kickstarter thì người tham gia mua trước sản phẩm trước khi nó được hoàn thành, thậm chí mua một sản phẩm khi mà nó vẫn chỉ ở giai đoạn ý tưởng.
Lúc trước mình có mua vài khoá học trên Kickstarter khi mà instructor mới chỉ có curriculum (chương trình học) thôi.
Quyền lợi của Early adopter là sẽ được mua sản phẩm với mức giá thấp hơn và có một vài ưu đãi riêng.
Thử nghiệm Early adopter cho app ReadingPointer
Hiện tại thì app này mình theo mô hình đặt sponsor link + donation.
Nên mình muốn thử nghiệm xem users có sẵn sàn trả tiền trước để có thể thành Early adopter cho bản nâng cấp premium với nhiều tính năng hơn hay không.
Cách làm là mình làm 1 page giới thiệu bản premium, early adopter thì được quyền lợi gì, cách trở thành early adopter thế nào.
Làm một trang đơn giản thôi, không cần cầu kỳ, quan trọng là thông điệp.
Tiếp theo là gắn 1 button ở homepage và footer ở app. Vì hiện tại Google Chrome Store duyệt app lâu quá nên mình chưa thay đổi code trong app được.
Thử nghiệm này được gì?
Nếu thử nghiệm thành công thì:
Mình đã validate được idea này. Có một lượng user dù nhỏ nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra mua trước một sản phẩm mà mới chỉ có ý tưởng.
Mình chẳng phải nổi tiếng gì, mình hoàn toàn có thể lừa đảo họ.
Nhưng nếu có một vài người bỏ tiền ra mua thì mình có thể khẳng định nhu cầu speed reading extension này là có.
Ngoài ra mình cũng sẽ biết là có nên tiếp tục theo dự án này và bỏ thêm công sức tiền bạc vào nó không nữa.
Kết
Lúc trước thì mình có thử early adopter cho khoá học Javascript chuyên sâu qua email. Nhưng đó là do mình có danh sách email trước, và cũng có đọc giả rồi.
Còn giờ thì là app và với thị trường nước ngoài nên không biết ra cơm cháo gì không.
Lý thuyết mình nhiều lắm, còn thực tế thì hẻm biết nữa. Mè hem thử seo bét đúng hơm mọi người 🤣
À extension trên Chrome vẫn chưa được duyệt.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai nha!
Day 22 - Launch checklist
Launch checklist là gì?
Là bảng liệt kê các công việc cần kiểm tra trước khi giới thiệu sản phẩm rộng rãi, công khai với mọi người.
Tuỳ loại app mà checklist sẽ khác nhau. Mình chia sẻ bảng checklist của app ReadingPointer có gì bạn tham khảo nha.
Bảng checklist
Mình sẽ chia nhỏ ra các mục riêng.
Kỹ thuật
- Test tính năng hoạt động ổn định chưa. Mình nghĩ phần mềm vẫn còn bug, trước hay sau mới bị phát thiện thôi.
- Kiểm tra các link. Trong app mình có dẫn link ra bên ngoài, nên cần kiểm tra lại đúng link chưa.
Website - Landing Page
- Có page About
- Có page Privacy
- Có SSL
- Có favicon
- Website có responsive. Test bằng mobile cho chắc nha.
- Xem có 404 page chưa
- Tốc độ tải trang
- Kiểm tra lỗi chính tả. Cái này nhanh nên mình để sau cùng
Marketing
- Set ngày launch. Mình set rồi nhưng vẫn phải đợi Google duyệt app nữa
- Làm video promo, giới thiệu tính năng
- Tạo blog để làm content marketing
- Viết bài blog
- Tạo account trên social network. Mình mới tạo cho Twitter à. Ai dùng Twitter follow @ReadingPointer nha 😏
- Set up các thẻ meta của social network. Để khi ai đó share landing page của bạn thì có hình preview đẹp và description chuẩn.
- Kiểm tra các thẻ SEO, sitemap
- Có email công ty: [email protected]
- Chạy quảng cáo, mua press release (báo đăng tin).
Tracking
Mình đã viết riêng 1 post về tracking rồi nha.
Launch day checklist
Đây là checklist riêng của ngày launch, mình đã rút kinh nghiệm từ đợi launch app Soundbar:
- Đăng lên ProductHunt
- Đăng lên HackerNews
- Đăng lên Reddit
- Đăng lên Indie Hacker, MarkerLog, vv
- Submit app lên các trang liệt kê (directory, review). Ví dụ Dapp thì submit lên dappradar, dapp.com. SaaS thì đăng lên getapp.com, vv. Tuỳ app bạn là gì sẽ có nhưng trang riêng để liệt kê.
- Share lên Facebook
- Tweet trên Twitter, tag được ai nổi tiếng thì tag vô luôn 🤣
- Share bài viết Medium (nếu lúc đó có viết rồi)
- Nhờ bạn bè dùng thử và cho feedback.
- Embeded badge của ProductHunt vào website
Kết
Mọi người có thể dùng thử app tại ReadingPointer. Có gì feedback giúp mình nhé, mình cảm ơn nhiều nhiều 😍
Do bản hiện tại trên Chrome bị lỗi nên mình đã submit bản mới lên. Thành ra phải đợi duyệt bản mới (gần 2 ngày rồi)
Hy vọng là mai được duyệt, xong là mình launch luôn á. Có gì mọi người vào ủng hộ nha 😆😆😆😆
Day 23 - Lại là một câu chuyện buồn
Pending Review
Hiện tại thì app vẫn chưa được duyệt. Và cũng sẽ không biết được khi nào được duyệt luôn. Chưa kể trường hợp có thể bị reject.
Mình không rõ process review là như thế nào. Vì bản đầu tiên mình submit lên vào thứ 7 tuần trước thì tầm tối chủ nhật là được duyệt luôn.
Bản mới này mình chỉ đổi icon, thêm 1 link sponsor và ẩn mấy cái settings thôi. Không hiểu sao lại lâu như vậy.
Early feedback
Từ lúc app lên store (bản đầu tiên) thì mình có share với một vài người quen để dùng thử.
Mình cũng nhận được những early feedback rất hợp lý về UI.
Nên trân trọng những người đã bỏ thời gian để test app, đặc biệt là góp ý cho bạn nữa thì càng phải trân trọng 😍😍😍
Quá đen là giờ cũng không dám update gì thêm vì thời gian review cũng lâu
Làm gì tiếp theo?
Có hai hướng:
- Vì quy trình duyệt app cũng lâu, nên chuyện update, improve app sẽ không hợp lý trong challenge này. Do đó có thể tập trung viết content marketing cho Reading Pointer
- Còn 7 ngày, nên vẫn có thể làm thêm 1 app được. Nhưng chất lượng thì hên xui vì giờ còn chưa biết làm gì mà 🤣
Thôi hôm nay đọc tý sách rồi ngủ sớm. Mai tuỳ tình huống mà mình sẽ quyết định làm gì.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 24 - Launch day và một vài số liệu
Launch day
Hôm qua, mình có đọc một số bài trên Hacker News là thời gian duyệt Chrome extension đôi khi có thể lên cả tháng.
Nên mình đã quyết định launch ngày hôm qua (ngày 24) luôn. Chứ đợi hoài cũng không biết bao giờ.
Mới đăng thì được #5
Nhưng hiện tại thì đã #19 😂
Một vài số liệu trên Google Analytics
Users Overview
Sau 18 giờ lauch thì được 20 users mới. Mỗi user xem 2 trang, tức là dùng extension để đọc 2 bài viết.
Thời gian ở lại extension là gần 4 phút. Cho thấy là 1 bài viết user mất khoảng gần 2 phút để đọc.
Event click
Mình có gắn tracking cho button Read/Pause và button restart.
Qua số liệu thì có thể thấy là mỗi user click read/pause khoảng 6 lần, click vào button restart khoảng hơn 2 lần cho mỗi lần đọc
Mình nghĩ đây là số lượng hợp lý khi dùng cái speed reading này.
Kết
Mình sẽ đợi một vài ngày nữa xem thử là lượng user có quay trở lại và các con số về User, page view, session duration cũng như event click có giống hiện tại.
Nếu giống thì cũng phần nào valiate được idea còn nếu số liệu bị tụt xuống thì coi như concept speed reading này quá khó tiếp cận.
Day 25 - Còn nước còn tát
Thất bại
Hôm nay mình nhìn lại số liệu thì có thể thấy là lượng user xuống thấp trong ngày thứ 2. Chỉ có 1 user quay lại dùng app 😨
Cũng:
- Không ai click vào link donate
- Không ai quan tâm Get Premium
Như vậy là mình đã validate xong idea speed reading này. Đó là một thất bại.
Bài học
Một số bài học mình rút ra được:
- Mình nghĩ trong thời gian ngắn vài ngày thì nên tập trung vào lượng user có khả năng chi trả cao, như App Store chẳng hạn.
- Extension trên browser bị phân mảnh: Safari, Chrome, Firefox. Nên cần nhiều thời gian nếu muốn support hết browser.
- Extension dễ làm (so với web app, mobile app) nên lượng cạnh tranh cao
- Việc chọn một chủ đề niche như speed reading cũng có nhiều điểm bất lợi. Bất lợi nhất là mô hình hoá lại một phương pháp khoa học thì sẽ không hoàn toàn chuẩn xác trong phiên bản đầu được. Bản thân mình đọc bằng extension do chính mình làm mà mình cũng cảm thấy hơi nhức mắc và đau đầu 😂😂😂
Review chi phí
Doanh thu: $0
Làm gì tiếp theo?
Nếu muốn biết ý tưởng của bạn có thực tế hay không thì hãy làm đi - Khoa Nguyen
Như app đầu Soundbar, cũng lỗ $40 mà ít ra còn bán được $10.
Còn app ReadingPointer này đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn mà lỗ tới $191.
Nhưng chỉ khi đã làm thì bạn mới kiểm nghiệm ý tưởng của mình được.
So với mục tiêu ban đầu là lợi nhuận $1000 thì cần phải kiếm được $1231 trong 5 ngày còn lại với 1 app mới 🤣
Mình viết là thất bại vậy thôi chứ mình thấy ....... thất bại thật 😂😂😂
Thôi, nói gì nói chứ không nên bỏ cuộc các bạn à.
Còn nước còn tát.
Day 26 - Điệp khúc trở lại
Idea mới
Mình đang làm một app để tự động mở các ứng dụng và sắp xếp chúng trên 1 màn hình.
Idea xuất phát từ nhu cầu cá nhân, mình hay mở những ứng dụng này chung với nhau trên 1 màn hình:
- Visual Studio Code + browser để viết blog
- Visual Studio + Finder (chọn file hình) để viết blog
- Rider + Postman + Browser để code backend
- Xcode + Terminal để code iOS
- Brave + Safari để lướt web
Kiến thức mới
Qua 1 ngày research thì mình thấy cách khả dĩ nhất là dùng Apple Scripts. App sẽ thực thi các scripts viết sẵn để mở ứng dụng và chỉnh kích thước của các cửa sổ app
Một đoạn code Apple Script mẫu
tell application "Safari" activate set visible of windows to true set bounds of front window to {0, 0, 600, 900} end tell tell application "Google Chrome" activate set visible of windows to true set bounds of front window to {500, 0, 400, 900} end tell tell application "Terminal" activate set visible of windows to true set bounds of front window to {900, 0, 1500, 900} end tell
Lại điệp khúc ý tưởng này đã có rồi.
Mình vừa mới mua domain Groupener.com xong. Tại vì hôm qua cũng khá hào hứng với idea mới + thời gian cũng hạn hẹp nên research sai từ khoá, tưởng chưa có 🤣
Hôm nay lên research lại thì hiện thấy ít nhất đang có 3 apps đã làm ý tưởng này rồi
Tính năng thì xịn sò hơn hẳn.
Trong khi đó mình mới xong phần research về technical cách làm thôi.
Điệp khúc "ý tưởng này là của chúng mình" đang trở lại.
there is nothing new under the sun
Chỉ còn 4 ngày thôi. Giờ mình sẽ hít thở thật sâu và đi bộ vài vòng để quyết định xem nếu làm idea này có thể tạo được điểm nhấn nào không.
Day 27 - Thử làm app nhảm
App nhảm
Hôm qua (ngày 26) mình có nói là ý tưởng Group Opener (tự động mở 1 nhóm app trên Mac). Ý tưởng này đã có nhiều app hoàn thiện hơn rồi.
Thời gian của challenge cũng còn 3 ngày thôi nên mình đánh giá khả năng để làm app hoàn thiện như các app có trên thị trường là không có. Nên mình cũng muốn làm app khác.
Mình quyết định làm một app nhảm thử xem sao.
Theo mình thì app nhảm là app:
- mà khi nói ra thì đa số sẽ nghĩ là app đó bình thường, không có gì đặc biệt, sẽ không ai dùng.
- app nhảm chỉ có 1 tính năng đơn giản.
- làm app nhảm cũng sẽ rất nhanh.
- app nhảm vẫn có khả năng lợi nhuận bình thường.
Một ví dụ kinh điển là app phát ra tiếng fart (xì hơi)
- Fart sound pranks - 50 triệu lượt tải.
Hoặc app giả bộ uống bia iBeer - 90 triệu lượt tải.
Nói chung thì phải nhảm đúng cái, nhảm đúng thời điểm nữa mới thành công như những app trên.
let me think
Tada, đây là idea app nhảm của mình: let me think.
Tự động ẩn hết cửa sổ windows, ẩn thanh dock, ẩn icon trên desktop, tắt wifi, mute volume (tắt âm) và hiện ta 1 text editor để tập trung suy nghĩ và viết vào đó 🤣😂😅
Mình đang tìm xem Mac có cho ẩn/tắt được cái gì nữa ẩn hết luôn =))
Nhảm thì có nhảm rồi đó, còn có ra cơm cháo gì không thì đợi 2 ngày nữa nha.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai.
Day 28-29-30 - Profitable MVP in 30 Days - Tất cả đã có trong kế hoạch
Tất cả đã có trong kế hoạch
Như ở ngày 0, mình đã đặt mục tiêu là sau khi hết challenge sẽ có 30 bài viết.
Do mình đếm từ 0 giống mảng trong lập trình thì hiện tại đến ngày 27 đã có 28 bài, bài này sẽ là bài thứ 29. Và một bài nữa vào ngày mai (launching day) sẽ là bài thứ 30. Đúng như tên series là "Profitable MVP in 30 Days".
Còn về mục tiêu lợi nhuận là $1000, như ngày 25 có tính thì còn khoảng $1231 nữa để đạt được mục tiêu.
Mình sẽ lấy khoảng $1400 tự mua lại app mình làm (bị trừ phí từ Gumroad) là sẽ được.
Một kế hoạch thật hoàn hảo.
Một thông điệp thật ý nghĩa
Đùa thôi mọi người à, 3 hôm nay mình tập trung làm app và fix bug nên không viết chi tiết mỗi ngày.
Hiện tại thì khâu làm app hoàn thiện rồi. Tối nay sẽ làm thêm landing page, video promo, hình ảnh để mai có thể launch được
Ở ngày 27, mình có nói đặt tên app mới là letmethink, nhưng research lại thấy tên này chưa rõ nghĩa lắm. Ngoài ra cũng có 1 app Android lấy tên này rồi.
Nên mình đã đổi thành Focusify.app
Tính năng app đơn giản thì nên tìm 1 thông điệp dễ hiểu và ý nghĩa hơn.
Mình còn khoảng vài tiếng để điều chỉnh lại để có một thông điệp ý nghĩa nhất.
Hẹn gặp mọi người vào ngày mai nhé
Profitable MVP in 30 Days - Tổng kết
Cảm ơn mọi người đã theo dõi series này suốt 30 ngày qua, bài hôm nay sẽ tổng kết lại kết quả của series này cũng như những bài học mình có được sau 30 ngày vừa rồi.
Tổng kết challenge
Chọn mô hình kinh doanh đúng hay sai?
Lúc mới đầu challenge thì mình dự định làm một SaaS về pomodoro nhưng cứ sợ là sẽ không kịp vì phải làm cả khâu frontend, backend nữa.
Lý do thứ hai không chọn làm SaaS vì mình nghĩ là tháng đầu tiên làm app one-time payment sẽ dễ chốt deal hơn. SaaS có 1 khoảng thời gian dùng thử free-trial cho users, không kịp trong 30 ngày.
Vì thế mình tự động loại các idea SaaS ra.
Nhưng nếu chọn làm SaaS từ đầu, thì mình cũng không chắc là kết quả sẽ tốt hơn vì phần thực hiện mới quan trọng chứ không phải là mô hình kinh doanh.
3 apps hay một app
Như bạn có thể thấy là mình làm tận 3 apps trong challenge. Ông bà ta có câu "một nghề cho chín còn hơn chín nghề"
Nếu mình bỏ thời gian ra thêm để research, design, thực hiện tính năng thì liệu sẽ được kết quả tốt hơn? Mình không dám chắc, nhưng mình có linh cảm vậy.
Nhìn lại thời gian thực hiện app bao gồm nghĩ tính năng và làm thì:
- Soundbar: Khoảng 3 ngày
- ReadingPointer: có thuê developer, nhưng thời gian lên tính năng cũng chỉ 1 ngày
- Focusify: App này thì làm để thử vận may thôi, khoảng 3 ngày
Nhìn lại kế hoạch từ ngày đầu:
Ngày 0-5: Lên kế hoạch, tìm ý tưởng, nghiên cứu thị trường, chốt tính năng Ngày 6-15: Thực hiện MVP Ngày 16-25: Tiếp tụi hoàn thiện MVP, pre-sale Ngày 25-30: Launching, after launch
Mình đã không theo kế hoạch ban đầu mà chỉ ứng biến theo kết quả của từng ngày.
Vỡ kế hoạch
Có nên tập trung vào SoundBar
Theo thống kê thì Conversion Rate của SoundBar rất cao ~8.5%
Mình cũng đặt câu hỏi là nếu mình không làm 2 apps tiếp theo mà chỉ tập trung phát triển, marketing thêm cho SoundBar thì kết quả có tốt hơn không?
EVERYTHING UNDER THE SUN
Mình đã nói đi nói lại 3 lần trong challenge nhưng mình vẫn muốn nhắc lại cho chính bản thân mình nhớ.
Idea nào cũng có người làm rồi, còn chưa có thì một là không ai cần hoặc 2 là nó quá khó để làm.
Trong ngày 5, mình đã nói về vấn đề này chi tiết
Nếu có lỡ idea của bạn đã có người làm rồi (mình nghĩ khả năng rất cao) thì cũng đừng buồn bã đến mức từ bỏ. Trước tiên hãy ăn mừng, vì đỡ mắc công validate nhiều. Sau đó hãy tiếp tục tìm cách cải thiện, out-play đối thủ nha.
Chi phí
Thời gian
Mình có track lại log lúc làm challenge này. Tổng thời gian khoảng 150h tính luôn thời gian viết blog.
Như vậy thì estimate thời gian ban đầu là chính xác
Tiền
Tổng các chi phí như sau:
Lợi nhuận: $30.7
Như vậy sau khi làm challenge thì đã lỗ $243 😂
Thực ra lợi nhuận có thể tăng thời gian tới. Nhưng mình chỉ tính trong 30 ngày làm challange thôi, biết đâu năm sau lại tăng 🤣🤣🤣
Một số chuyện vui
Được user báo bug
Mình có nhận được email của một bạn để báo bug cho app SoundBar.
Mình có đề nghị là sẽ refund cho bạn này nếu bạn đó chưa hài lòng vì cái này không phải bug mà là tính năng nó vậy.
Bạn này rep lại cho thấy bạn cũng quan tấm đến app khá nhiều. App làm ra cũng có hữu ích cho ai đó ngoài kia 😂.
Điều này làm mình cũng có thêm động lực.
ReadingPointer được mời lên podcast
ReadingPointer thì được khoảng 50 users. Số liệu thống kê tuần này cho thấy cũng có vài users truy cập và quay lại sử dụng extension.
Ngoài ra, mình cũng nhận được email mời lên podcast Forward Thinking Founders
Để mình sắp xếp thời gian rồi lên chém gió cũng được 😂
Điều được nhất khi mình thực hiện challenge
Đó là tính kỷ luật.
Việc ngày nào cũng phải vừa làm app, vừa phải viết blog lại cũng tốn nhiều thời gian và công sức. Thường thì mỗi bài blog tốn khoảng 1.5h
Có 1 ngày bị trúng gió (bị thật), và 1 ngày buồn ngủ cực độ nhưng vẫn phải cố gắng.
Bình thường 1 năm mình cũng viết khoảng 40 posts thôi, trong khi làm xong challenge thì viết tới 31 posts. Đủ KPI cho cả năm nay luôn rồi.
Nếu mình bỏ cuộc giữa chừng cũng không ai nói gì mình cả. Nhưng việc tham gia 1 challenge như vậy rất tốt, đã tăng tính kỷ luật của mình lên nhiều lần.
Qua challenge lần này, mình cũng validate được 3 ý tưởng mà nếu không làm challenge chắc mình cũng không muốn làm.
Ở thời điểm dịch bệnh như thế này, con người ta sẽ trở nên lười nhác hơn.
Nhưng 1 tháng qua với mình thì rất hiệu quả 💪
Một số kỹ năng mình thấy cần phải bổ sung gấp
- UI design: Một giao diện đẹp cực kỳ quan trọng. Phải tốt nước sơn trước thì người lạ mới bỏ thời gian tiếp hiểu chất liệu gỗ mà thành user được.
- Development: Cái này là đương nhiên rồi vì nếu không code đều đặn thì sẽ bị xuống tay nghề. Mình cũng có một thời gian đi làm product nên skillset hiện tại đang hầm bà lằng. Code có mấy app nhỏ xíu mà cũng có bug nữa 🤦♂️
- Làm video. Qua việc làm video Promo, trong đầu mình có rất nhiều idea nhưng không thể chuyển thể hết ý tưởng. Cần phải học hành nghiêm túc mảng này
Làm gì tiếp theo?
App SoundBar hiện tại Conversion Rate đang khá cao, tận 8.5%
Có thể mình sẽ nghiên cứu thêm để ra phiên bản mới hoàn thiện hơn với việc có thể nghe với YouTube playlist.
Ngoài ra, mình cũng có một số idea về các challenge tiếp theo mình có thể làm như là viết sách, quay khoá học. Bởi vì cũng chưa hết dịch mà, làm tiếp cái challenge nữa vậy, chứ cái này cũng fail rồi 🙈
Nhưng trước tiên phải nghỉ vài ngày relax, đọc sách, học thêm kỹ năng mới đã nhé.
Lời kêu gọi
Vì mình đã thất bại trong challenge lần này rồi nên nếu bạn là 1 creator - người có thể tạo ra sản phẩm - như Lập trình viên, Designer, Product Manager, Business Analyst, vv
Thì mình kêu gọi mọi người tham gia thử thách Profitable MVP in 30 days trên.
Nội dung challenge là làm sản phẩm MVP có lợi nhuận trong 30 ngày và viết blog mỗi ngày về những gì mình làm.
Khi tham gia và viết blog, bạn nhớ kèm với hashtag #ProfitableMVP trên mạng xã hội nhé. Có gì mọi người cùng theo dõi. Hãy trả thù giúp mình nha 😗
Lời cuối cùng, mình xin cảm ơn mọi người đã theo dõi series này. Hẹn gặp mọi người vào một ngày gần nhất.