NoCode MVP Challenge

NoCode MVP Challenge

Author
Published
June 27, 2020
Category
Validate Idea
Problem & Idea
Build
Launch

#1 - NoCode MVP Challenge - Giới thiệu

notion image

Giới thiệu challenge

Ba tháng trước mình có làm một thử thách là Profitable MVP in 30 Days - Làm MVP có lợi nhuận trong 30 ngày.
Dù thử thách này không thành công về mặt doanh thu ban đầu để ra, nhưng nó cũng giúp mình cải thiện tính kỷ luật, cách làm MVP.
Ngoài ra mình cũng chia sẻ kiến thức làm MVP tới mọi người một cách trực quan và cụ thể hơn.
Trong series Profitable MVP in 30 Days, mình có làm app Reading Pointer đã thuê freelancer để làm. Việc thuê freelancer để cho những founders nào có ý tưởng nhưng không biết code vẫn có thể tự tin thuê ngoài để xây dựng MVP.
Nhưng thuê freelancer cũng có những nhược điểm như chi phí cao, khó khăn trong giao tiếp, muốn chỉnh sửa thì không tự chủ được.
Vì thế trong thử thách lần này, mình sẽ sử dụng nền tảng NoCode để làm MVP
Xem Thêm Xu hướng no-code khi xây dựng startup

Kế hoạch

Không giống như challenge Profitable MVP in 30 Days, mình sẽ không viết blog hằng ngày nữa.
Mình nhận ra là có những ngày không có gì đặc sắc ví dụ như hôm đó chỉ code thôi thì không có gì nhiều điều để chia sẻ. Với lại vừa làm app vừa viết hằng ngày cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức nữa.
Nên trong challenge NoCode MVP này, mình chỉ đăng bài cập nhật tình hình khi có thứ hay ho để chia sẻ. Đảm bảo rằng bạn có thể đọc được nội dung có ích nhất.
Mỗi ngày mình sẽ giành khoảng 4h để làm challenge này.
Ngày bắt đầu là ngày: 27/06/2020
Ngày kết thúc là ngày: 28/07/2020

Mục tiêu

Lần này, ngoài mục tiêu là doanh thu, mình muốn đặt thêm những mục tiêu khác về users và độ ảnh hưởng của series NoCode này.
Mục tiêu của challenge lần này:
  • Top 3 Product Hunt khi launch app.
  • Đạt 1000 users sau 1 tuần launch.
  • 200 daily active user sau 1 tuần
  • 50 paid user sau 1 tuần launch
  • Sau khi series NoCode kết thúc 1 tháng, có 3 bạn đọc giả xây dựng app bằng #nocode platform

NoCode Group

Mình có lập group về Nocode - nơi mọi người có thể trao đổi thêm về nocode platform và các vấn đề liên quan

#2 - NoCode MVP - Tại sao là NoCode và tương lai của nó

Lịch sử không nói dối

Trước khi nói về nocode, mình cùng lướt qua lịch sử của các công cụ phát triển ứng dụng
  • JavaScript ra đời năm 1996, website lúc này là web tĩnh (static website)
  • Wordpress ra đời năm 2003. Hiện nay trên 30% website trên thế giới được xây dựng bởi Wordpress (nguồn)
  • Ruby on Rails ra đời năm 2004. Gần 2 triệu website sử dụng Ruby on Rails (nguồn)
  • React ra đời năm 2013, giờ cũng có 2 triệu website dùng React (nguồn)
  • Amazon ra mắt EC2 năm 2006, bắt đầu trend Cloud Computing. Hiện giờ 90% công ty sử dụng 1 dịch vụ của Cloud Computing (nguồn)
    • Xem thêm IaaS, PaaS, SaaS và BaaS là gì và ví dụ?
Nhìn lại quá trình lịch sử, hoặc có cơ hội bạn hãy hỏi thử 1 anh lập trình viên lâu đời từ những năm 2000s đến giờ về những sự hay đổi này.
Điểm chung đó là càng ngày thì càng có nhiều tool, platform, library hỗ trợ việc xây dựng ứng dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn trước
Một sinh viên IT năm 1 cũng có thể học 1 khoá online trên Udemy hay Coursera là có thể làm ứng dụng được rồi.
Bên cạnh việc giúp developers phát triển ứng dụng dễ dàng hơn, nhiều developers lại nghĩ sao không giúp người không biết code/lập trình vẫn có thể làm app được luôn.
Thế là các platform nocode dần xuất hiện như Shopify, Weebly, Wix. Số tiền gọi vốn lên tới hàng trăm triệu đô. Shopify đã IPO và cổ phiếu đã tăng 4000 lần, nguồn
Theo thời gian, các platform nocode ngày càng nhiều và phát triển không ngừng.
Ngay cả CEO của Github - một nền tảng lưu trữ source code cho developer cũng đã từng nói:
"The future of coding is no coding at all." - Chris Wanstrath, CEO của GitHub.
Việc làm web app, mobile appmarketplace hay chatbot với nocode đã là quá bình thường rồi mọi người à.
Bây giờ các niche như Blockchain hay AI, Machine Learning cũng đã có những platform nocode/low code rồi. Ví dụ như IBM Blockchain Platformobviously.AIIntersectLabs
Nhìn lại lịch sử sẽ không nói dối: tương lai sẽ là nocode.

Tại sao nên dùng NoCode để xây dựng MVP?

MVP - Minimum Viable Product (Sản phẩm khả thi tối thiểu), là sản phẩm được tạo ra nhanh nhất có thể nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi của khách hàng, kiểm tra thị trường và nhận định sản phẩm có tiềm năng hay không.
Qua đó quyết định có tiếp tục phát triển theo sản phẩm gốc hay thay đổi cho đến khi nào sản phẩm đạt được Product/Market Fit thì thôi.
Như định nghĩa của của MVP thì chúng ta cần ra đời liên tục các phiên bản MVP để đạt được Product/Market Fit
Nếu bạn đang có nhiều tiền và đội dev thì không nói làm gì. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện này. Lúc này chính là lúc nocode phát huy tác dụng của mình: nhanh, rẻ và hiệu quả.
Bạn không biết lập trình vẫn tự tay làm MVP được. Còn nếu bạn biết lập trình thì càng tốt vì có thể kết hợp linh hoạt các platform nocode

Câu chuyện năm 2019

Năm 2019, mình có làm khoảng 5 dự án
  • 1 mạng xã hội
  • 1 SaaS về du lịch
  • 1 SaaS về hoá đơn
  • 1 mobile app về giáo dục
Gần như fail toàn bộ. Lý do fail thì nhiều nhưng điểm chung thì founders thích 'vẽ vời', làm nhiều tính năng vì nghĩ là users sẽ cần. Nhưng users có cần hay không thì launch apps mới biết được thực sự.
Đó là lý do trong năm nay mình sẽ không nhận outsource dự án nào như năm 2019 nữa. Việc lấy tiền của khách hàng nhưng họ lại fail khiến mình rất áy náy và không vui vẻ gì. Mình muốn win-win
Vì thế mình sẽ tập trung vào nocode để founders có thể tự build MVP của mình nhanh chóng, nhận feedback từ users và cải tiến liên tục.
Chứ không phải lên một list features, build trong 2, 3 tháng, launch và fail rồi cũng biết tại sao mình fail.
Việc bỏ ra vài chục triệu là con số không lớn không nhỏ. Nhưng đáng sợ nhất là fail mà không học được gì sẽ khiến con người ta dễ dàng bỏ cuộc.

Do things that don't scale

Nếu bạn chưa biết câu nói nổi tiếng của Paul Graham này, thì hãy tìm đọc ngay!
Một lý do lớn mà nhiều founders không muốn/không thích/không tìm hiểu về nocode đó làm muốn làm thật lớn ngay từ đầu.
Kiểu app chưa launch, users chưa có, feedback cũng không nhưng đã nghĩ ra viễn cảnh app mình đã scale lên tới hàng chục ngàn users.
Những câu mình hay nghe như:
  • Sau này nhiều users thì sao em, server có đủ không.
  • Sau này mình nâng cấp lên được không em
  • Sau này anh tính làm thêm features a,b,c này
Mọi thứ đều là sau này và không phải tập trung vào users hiện tại.
Họ thích nhìn vào những super app hiện tại rồi so sánh về features. Ví dụ AirBnb có 10 features, mình cũng phải có ít nhất 3,4.
Nhưng bạn hãy thử tìm phiên bản của AirBnb, Facebook, Uber những năm đầu tiên mà xem. Để được như hôm nay chúng đã trải qua hàng trăm lần cập nhật.
Xem thêm Khởi nghiệp khi không biết lập trình
Đương nhiên nếu dùng nocode thì sẽ có những khuyết điểm như:
  • Không phải features nào cũng có thể làm được
  • Platform nocode bạn dùng có thể bị mua lại hoặc phá sản
  • Một số nền tảng nocode không cho bạn kiểm soát source code. Sau này phát triển thêm nhiều feature phức tạp không được.
Lo sợ sau này app mình nổi tiếng, scale up dữ quá, nocode không thể đáp ứng được cũng như việc tuyển Việt Nam sợ nếu vô địch World Cup dân mình đi bão loạn cả nước vậy.
Việc nào khó hơn?
Đây là những ví dụ về những startup đã dùng nocode vào những ngày đầu và đã gọi vốn hàng chục triệu đô.
  • platohq.com
Sau đó họ đã migrate sang coding sau khi có đủ nguồn lực và tài chính. Vậy có phải là nên tập trung mà vô địch World Cup đi, kiểm soát việc đi bão dễ hơn đúng không?
Chưa kể đến là nhiều business model có liên quan tới dịch vụ thì việc có cái app không là chưa đủ, còn rất nhiều thứ để lo. Việc dùng nocode sẽ khiến bạn có nhiều thời gian để xử lý những vấn đề khác nữa.
Đọc thêm Productized Services - Sản phẩm hoá dịch vụ

Kết

Hy vọng bài viết đã mang đủ lý do để bạn có thể sử dụng nocode để xây dựng MVP tiếp theo của mình rồi.
Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với nhiều anh founders, mình hiểu là không phải ai cũng có khả năng và nguồn lực để xây dựng MVP 1 cách trơn tru.
Hoặc là bạn có thể tìm technical founders hoặc tập trung vào nocode nhé. Đây là 2 cách hiệu quả nhất.

#3 - NoCode MVP - Sức mạnh của Bubble.io

notion image

Bubble.io - Nền tảng Visual Programming

Bubble.io là nền tảng nocode dùng để xây dựng web app mạnh mẽ nhất hiện nay
Mình biết Bubble từ lúc trước khi học đại học, giờ ra trường rồi nó vẫn phát triển.
Anh CEO đợi tận 7 năm mới gọi vốn 6 triệu đô Seed Round
Bên dưới là video phỏng vấn CEO Bubble trong show "This Week In Startups", bạn có thể xem thêm để hiểu thêm về nền tảng này. Hoặc đọc bài blog này cũng được 😅

Tổng quan về Visual Programming của Bubble

Frontend/UI/UX

Frontend thì bạn kéo thả, sắp xếp và tuỳ chỉnh các đối tượng (elements)
Ví dụ đây là giao diện bạn thấy
notion image
Còn đây là giao diện bạn dùng Visual Programming
notion image
Bubble còn có hỗ trợ tool để làm responsive nữa, nên bạn an tâm nhé.

Backend và logic

Nói chung máy tính chỉ hiểu 0 và 1, việc các ngôn ngữ lập trình mới được ra đời cũng chỉ thêm 1 lớp trườu tượng để lập trình viên giao tiếp với máy tính dễ dàng hơn thôi.
Tương tự, Visual Programming là thêm 1 lớp trườu tượng nữa để dùng trong các platform nocode.
Ví dụ đây là logic của một page trong Bubble. Logic được thể hiện dưới dạng từng khối (block), từng bước (step)
notion image
Ví dụ bạn có logic tạo 1 Task thì sẽ có nhiều bước:
  • Bước 1 là tạo task với các dữ liệu từ input
  • Bước 2 là thay đổi dữ liệu trong database
  • Bước 3 là reset lại input
Bạn kéo thả và sắp xếp các blocks và steps.
notion image
Trong Bubble thì phần xử lý logic của app được goi là Workflow

Database

Bạn có thể định nghĩa các bảng, kiểu dữ liệu, định nghĩa relationship giữa các bảng, tạo các role, phân quyền và query dữ liệu ngay trên Bubble
notion image

Plugin

Ngoài việc sử dụng các tính năng mặc định của Bubble, bạn có thể cài thêm plugin hoặc tự viết để mở rộng tính năng của app.
Ví dụ bạn làm tính năng Analytics thì có thể cài thêm plugin chart.js, làm thanh toán có thể cài thêm Stripe hoặc Paypal
Có plugin của Bubble giúp bạn connect với API hoặc với 1 app Bubble khác

Pricing

Bubble có gói free để bạn vọc và 3 gói trả phí chỉ từ $25/month.
notion image
Mức giá cao nhất là để khi app của bạn cần scale up thôi (nâng cấp server, file storage và ưu tiên backup,logs)

Mobile app với Bubble có được không?

Bubble có hỗ trợ làm giao diện responsive, nhưng nếu bạn muốn convert web app sang mobile app thì có 2 cách:
  • Dùng Bubble như backend xuất ra API, sau đó xây dựng mobile app rồi kết nối với các API này. Có thể dùng platform nocode như DropSource, Adalo hoặc Configure.IT để làm
  • Xây dựng responsive trên Bubble rồi dùng một dịch vụ wrapping web app để chuyển sang mobile như GoNative

Quan điểm của mình về Bubble.io

Bubble.io là platform nocode số một hiện tại để xây dựng web app. Mình nhắc lại là web app chứ không phải mobile app hay blog nha.
Nó cho phép bạn tuỳ chỉnh (customize) giao diện, logic, data structure mạnh mẽ.
Mức giá rẻ so với những gì bạn nhận được.
Cũng đã có nhiều startup gọi vốn thành công khi xây dựng app với Bubble rồi, nên bạn không cần phải lo lắng về công nghệ nữa.
notion image
Điểm yếu mình nghĩ là để tiếp cận nó dù là bạn biết lập trình hay không thì cũng hơi mất thời gian vì document của nó không chi tiết lắm.
Nhưng không sao, mình đã tìm được một khoá học cực kỳ dễ hiểu để bạn bắt đầu với Bubble rồi

Học Bubble ở đâu?

Khoá học này trên Udemy là nguồn tài liệu học Bubble dễ hiểu và chi tiết nhất.
Bạn chỉ cần học xong khoá này là có thể bắt tay vào làm app của riêng mình rồi đó. Mình đảm bảo luôn.
Nhớ tìm coupon thì chỉ có $10/khoá thôi nha.
Xem thêm về Bubble ở bài tổng kết challenge

Kết

Như vậy là sau 3 posts trong series, mình đã giới thiệu về nocode và platform Bubble.io rồi.
Như vậy chúng ta đã có đủ lý do và công cụ để làm challenge này.
Nhưng đây chỉ là bước bắt đầu, phần khó nhất cũng như thú vị nhất là làm cái gì và làm như thế nào cơ.
Hẹn gặp mọi người ở bài viết sau nhé.

#4 - NoCode MVP - Ý tưởng. Một lần chơi lớn

notion image

Cách tìm ý tưởng

Như mình đã chia sẻ nhiều lần về việc tìm ý tưởng cũng như validate idea thì nên tìm vấn đề từ bản thân hoặc người thân.
notion image
Hình trong sách Zero to Sold
Tìm problem của bản thân hoặc bạn bè của mình trước vì bạn sẽ hiểu rõ problem này hơn là việc tự vẽ vời problem ra.
Tiếp theo là validate thử xem là problem này có phải là chỉ 1 mình bị hay không, hay cũng có nhiều người giống mình. Để validate thì có thể tham gia vào 1 nhóm, nhắn tin hỏi trực tiếp hoặc làm khảo sát
Có một cách validate nữa là tìm giải pháp cho problem đó trên thị trường, dùng giải pháp đó. Rồi xem thử users feedback như thế nào về giải pháp đó.
Ví dụ cụ thể luôn.
Mình hay đọc sách nhưng trên nhiều devices khác nhau: Kindle, iPad, Mac, sách giấy.
Và khi lưu notes hay highlight thì mình muốn có 1 app để gom chúng quy về 1 source để review lại cho dễ hoặc để đăng mấy câu quotes sống ảo cho tiện.
Thế là sau 1 hồi research mình thấy có app knotesapp phần nào giải quyết được problem của mình. Vì nó chỉ sync được notes bên Kindle
Nó chưa sync notes bên app iBooks. Mình có thể tìm những users của app này hỏi xem họ có muốn sync notes từ những device khác không.
Đó, vậy là bạn có thể validate được rồi

Idea NoCode lần này - Một lần chơi lớn

Hiện tại bản thân mình đang dùng các apps sau để track progress bản thân:
  • Kanbanflow để track daily task với dùng phương pháp Pomodoro luôn
  • Trello để track project cá nhân
  • Notion.so để document mô tả phần mềm của các dự án
  • Notes trên Mac để lưu note daily, track habits
  • Money Lover để track chi tiêu
  • My Fitness Pal để track lượng calorie hằng ngày
Mình thấy là dùng nhiều app thì cũng có điểm lợi là nhiều lựa chọn nhưng nhược điểm tốn thời gian để mở từng app và tổ chức hơi lộn xộn
Nhiều khi mình lười nên cũng quên track chi tiêu với calorie luôn.
Idea của mình có một app để track toàn bộ những thứ mình cần track trong cuộc sống.
Mình thấy mọi điều chúng ta làm đều có mục đích/mục tiêu cụ thể dù là short-term hay long-term.
Nên sẽ dùng Goal là trung tâm của app.
Task, Habits, Ideas, Expense, Calories, Daily Journal đều có thể liên quan đến 1 Goal nhất định.
Ví dụ bạn có 1 goal long term kiếm được 1 triệu đô trước 30 tuổi chẳng hạn thì:
  • Daily task sẽ là làm gì?
  • Cần Habits tốt gì để hỗ trợ goal này
  • Chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư như thế nào?
  • Idea gì để kinh doanh
Ví dụ goal short-term: đọc 50 quyển sách trong 1 năm thì
  • Track habit đọc 30p vào buổi sáng và đọc 30p trước khi đi ngủ
  • Journal là viết summary/highlight sách khi đọc xong
Mình sẽ break-down goal ra nhiều thành phần, trước mắt là 6 yếu tố: Task, Habits, Ideas, Expense, Calories, Daily Journal.
notion image
Theo mình research thì cũng có những app kết hợp goal/project với nhiều thành phần nhỏ bên trong, nhưng chưa app nào gộm 6 yếu tố lại cả. (Có thể users không cần track nhiều thứ cùng lúc giống mình)
Khó ở chỗ là làm sao để liên kết các thành phần này với nhau và với goal để có sự hợp lý và hiệu quả giữa các tính năng.
Về bản chất thì phải làm 7 app nhỏ.
Mình biết đây là ý tưởng vừa phức tạp mà lại hơi fancy (bóng bẩy không cần thiết)
Nhưng thôi thử 1 lần chơi lớn xem sao, đây cũng là cơ hội để 'phô diễn' sức mạnh của NoCode làm được gì.
Ngoài ra, sắp tới mình cũng sẽ support NoCode nên có 1 dự án dài hơi để theo cũng tốt.
Hiện tại thời gian research, test app cũng tốn kha khá thời gian. Một ngày khoảng 8h chứ không còn thong thả 4h/ngày như dự định nữa.
notion image
Nên mình chỉ viết blog tiến độ khi có gì mới thôi nhé.

Kết

Bạn có hay track progress cá nhân giống mình không? Bạn thấy có cần 1 app để track toàn bộ những thứ này không?

#5 - NoCode MVP - Buông bỏ để hạnh phúc

Cách tốt nhất khi trễ deadline

Mình set deadline cho challenge lần này là 1 tháng và hôm nay là deadline. Lý do trễ một phần do mình bận đi chơi. Mình dẫn ba mẹ đi chơi Đà Lạt hết gần một tuần, rồi bạn lên chơi khoảng 1 tuần nữa.
Nhìn lại track log thì đã bỏ khoảng 80h cho challenge (khoảng 60% thời gian dự tính)
notion image
Không phải mình không tôn trọng bản thân hay đọc giả của blog nhưng cuộc sống nó có những sự kiện không sắp xếp được. Mình cũng có những sở thích mới như skateboard, tập đàn piano nên thời gian bắt đầu ít lại.
Việc đi chơi cũng 1 phần thôi, phần khác thì mình cũng hơi ham nhiều tính năng nên làm không kịp.
Mình muốn xem thử sức mạnh nocode đến đâu và có thể làm được những gì nên gần như là phải làm khoảng 6 apps nhỏ. Điều này thì không đúng với tinh thần MVP tý nào.
Và cách tốt nhất khi trễ deadline là set một deadline mới và hoàn thành đúng hạn.
Nhưng thôi, giờ phải học cách buôn bỏ để hạnh phúc.

Buôn bỏ để hạnh phúc

Mình sẽ vẫn giữ bộ khung của apps gồm:
  • Goals (done 1/2)
  • Tasks (done 1/2)
  • Habits (done)
  • Ideas (done)
  • Expenses
  • Calories
  • Journal
Nhưng sẽ bỏ bớt chi tiết của từng phần. Sẽ cố gắng launch sớm để xem users có thích 1 app 'thập cẩm' như vậy không rồi sau đó làm chi tiết từng app con cũng được.
Mình cần thêm 2 tuần nữa.

Chia sẻ trên Twitter

Hiện tại mình có chia sẻ daily progress của app trên Twitter.
Vì Twitter cộng đồng #nocode cũng nhiều nên có thể tương tác nhiều hơn.
Bạn có thể follow Twitter mình tại link này nhé

Một số hình ảnh của project

Goal
notion image
Task dạng kanban
notion image
Task Detail với Pomodoro Technique
notion image
Habit tracking
notion image
Ideas giống Google Keep
notion image

Kết

Mấy challenge mà public thì mình đều "Finish What I Start" nha nên mọi người yên tâm.
Dù trễ so với dự định nhưng mình vẫn cố gắng để launch được 1 project #nocode đàng hoàng.
Hẹn găp mọi người ở những post cập nhật sau! ✌️✌️✌
Mình có lập group về Nocode - nơi mọi người có thể trao đổi thêm về nocode platform và các vấn đề liên quan

#6 - NoCode MVP - Tổng kết

Tổng quan về challenge Nocode MVP

Mọi người có thể thử app tại đây:
App lần này là kiểu personal SaaS quản lý goals, tasks, habits, journals, calories và ideas. Dùng toàn bộ bằng Bubble, kênh thanh toán dùng Paddle.
Mình có track lại thời gian làm challenge lần này thì khoảng 120h. Đây cũng là lần đầu mình làm 1 app dạng Saas (subscription) và với nocode.
Nên khoảng thời gian này mình nghĩ là khá hợp lý cho 1 side project. Nếu giờ làm lại project này, mình nghĩ thời gian làm sẽ giảm 1/2.
Mình tự tin vậy vì phần lớn thời gian là tìm hiểu về Bubble. Hiểu được cách hoạt động và giới hạn của Bubble rồi thì thời gian còn lại chỉ là xây dựng UI và làm logic. Cũng có thể do mình có background về IT cũng như làm product rồi nên các phần này mình thấy đơn giản.

Tổng quan về Bubble

Chi tiết về Bubble mình đã viết chi tiết ở bài viết này. Ở đây mình sẽ tổng quan lại một chút về Bubble sau khi hoàn thành challenge.
Đây là logic 'sương sương' của 1 page appp ProgressKer trên Bubble. Hơi nhiều nhưng khá trực quan và dễ hiểu vì diễn giải bằng English hết mà
notion image
Còn về phần UI/UX, Bubble vẫn còn hạn chết về việc custom design và animation
Nhưng phần quản lý data của Bubble khá hay. Có phần dev database và live database. Deploy version mới chỉ cần 1 nút bấm
Phần Privacy của Bubble cũng hay giúp bạn tại ra những role để quản lý truy cập của users đến từng field trong bảng dữ liệu
Về plugin, mình phải sử dụng gần 20 plugins để hỗ trợ việc làm app, trong đó có 4 plugin trả phí
notion image
Bubble cũng hỗ trợ backend workflow như:
  • Tạo webhook. Mình tạo để bắt event thanh toán bên Paddle
  • Trigger event khi database thay đổi
  • Recurring event (cron job) để chạy các sự kiện theo lịch như gửi email hằng ngày
  • Tạo API endpoint cho mobile
Về giá, hiện tại thì
  • 2 tháng subscription Bubble: 29*2 = $58
  • 4 plugins (one time payment): 16 + 5 + 25 + 12 = 58
Tổng chi phí là chanllenge lần này là $116 (khoảng 2tr7 vnđ) và 120 tiếng đồng hồ.
Khá rẻ về validate 1 idea SaaS đúng không nào?

Kết quả ngày launch

Còn về challenge lần này, mình không đặt nặng chuyện doanh thu. Mục đích của mình là làm thử 1 app SaaS phức tạp nhất mà mình có thể nghĩ ra để xem giới hạn hiện tại của nocode tới đâu.
Có những lúc được hạng cao trên ProductHunt. Nên traffic từ ProductHunt mang lại khoảng 500 visitors. Được 30 users đăng ký và chưa được paid user nào 😂
notion image
Twitter thì cũng được anh CEO Bubble retweet
notion image

Không nên thần thánh hoá Nocode

Qua challenge lần này, mình thấy một trong những quan điểm sai lầm về nocode là nó có thể thay thế hoàn toàn được cách phát triển phần mềm truyền thống (code).
Nocode sẽ được áp dụng rộng rãi hơn nếu những platform, cộng đồng có đánh giá đúng nhất về khả năng có nó: cái gì làm được và cái gì không.
Ví dụ những loại app mà hiện tại nocode không đáp ứng nổi:
  • Những app có custom design và animation nhiều
  • Streaming app như Netflix
  • Video call app
Còn những thứ mà nocode làm cực kỳ tốt:
  • App nội bộ cho công ty
  • SaaS kiểu quản lý dữ liệu
  • Mạng xã hội
  • Marketplace

Nocode sẽ hiệu quả hơn nếu bạn biết code

Sự thật là nếu bạn không có background IT, bạn vẫn dùng nocode để làm app được, nhưng sẽ tốn thời gian và cần người hướng dẫn nếu muốn tiết kiệm thời gian.
Nhưng nếu bạn có background IT hoặc biết chút ít rồi thì việc xử dụng nocode là dễ dàng.
Ngoài ra, việc mở rộng tính năng qua code cũng là 1 lợi thế của nocode.
Ví dụ bạn muốn viết thêm tính năng giao dịch với Momo thì bạn phải biết cách viết plugin cho Bubble chẳng hạn.
Hiện tại thì đa số các platform nocode cũng có phần plugin để nhà phát triển có thể tự mở rộng thêm các tính năng qua code. Họ có sẵn luôn chợ plugin để dev có thể vào tham gia phát triển các plugin nữa.
Nếu bạn dùng Bubble nhưng muốn tích hợp thêm tính năng thì hoàn toàn có thể thuê người để viết plugin cũng được

Kết

Một trong những mục đích khi mình viết NIVIKI là để giúp mọi người xây dựng MVP một cách tinh gọn nhất có thể. Tránh mất tiền và công sức oan uổng.
Hy vọng với challenge nocode MVP cùng với Profitable MVP in 30 đã giúp mọi người phần nào có thêm nguồn tư liệu để tham khảo cách làm một MVP tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Như vậy là chúng ta đã có các nội dung: MVP tự code, thuê freelancer và cả nocode.
Rất mong nhận được góp ý nhận xét của mọi người qua các nội dung trên.
Hẹn găp mọi người ở những challenge sau nhé! ✌️✌️✌
Mình có lập group về Nocode - nơi mọi người có thể trao đổi thêm về nocode platform và các vấn đề liên quan